Yên Bái: Tập trung phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão

0

Trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 (bão YAGI) gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão.

Theo báo cáo sơ bộ, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại đến sản xuất thủy sản của địa phương. Thống kê cho thấy, có trên 1.000 ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh Yên Bái bị ngập, tràn, vỡ bờ; gần 300 lồng cá bị ảnh hưởng; ước thiệt hại khoảng 41,5 tỷ đồng. Những ngày này, các hộ nuôi trồng thủy sản đang tập trung khắc phục hậu quả sau bão, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý môi trường vùng nuôi, tu bổ lại diện tích ao đầm, lồng bè bị thiệt hại để tiếp tục bước vào vụ nuôi mới.

Bà Nguyễn Thị Thủy ở thôn Liên Hiệp (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên) cho biết: “Bão số 3 đã khiến toàn bộ ao nuôi cá của gia đình bị ngập lụt, cá nuôi bị nước lũ cuốn trôi đi hết. Ngay sau khi nước rút, gia đình tôi đã tháo hết nước ao và vệ sinh, khử khuẩn bằng vôi bột, hiện đang chờ thời điểm phù hợp để thả cá mới”.

yên bái

Tại huyện Trấn Yên thì xã Minh Quân là địa phương có diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại lớn. Toàn xã có 333 hộ với tổng diện tích bị thiệt hại gần 140 ha, trong đó thiệt hại trên 70% là gần 139 ha. Đến nay, do hậu quả của Cơn bão số 3 để lại nặng nề, hệ thống kênh mương tiêu úng bị bồi lấp nhiều nên xã vẫn còn nhiều diện tích ao nuôi chưa thể vệ sinh được. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Quân, những diện tích ao nuôi nước đã rút, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao nuôi và thả giống cỡ lớn vào nuôi khi có điều kiện thích hợp.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão.

Theo đó, đối với nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, người nuôi cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi đảm bảo trong ngưỡng cho phép; tiến hành thu hoạch ngay nếu đạt kích cỡ thương phẩm; gia cố hệ thống dây neo, phao, vệ sinh lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Các lồng cá bị hư hỏng do bão lũ cần được tu sửa và gia cố lại. Thực hiện tốt việc vệ sinh làm sạch khu vực nuôi, khử trùng nguồn nước rồi mới tiến hành thả giống. Đặc biệt, người nuôi cũng cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để hạn chế thiệt hại.

Đối với vùng nuôi cá trong ao, cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh mật độ cao.

Đồng thời, kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi, sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường nước sau mưa bão, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng phát triển của thủy sản.

Cùng đó, thường xuyên theo dõi sức khỏe, tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Xử lý thủy sản bị chết theo quy định tránh gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ nuôi thủy sản Văn bản số 7417/NHNN-TD, ngày 9/9/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do mưa bão số 3 gây ra. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh (ngày 30/9/2024) đã thông qua Nghị quyết Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3 (bão YAGI) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái với mức hỗ trợ diện tích nuôi cá truyền thống bị thiệt hại trên 70% là 20 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 – 70% là 10 triệu đồng/ha.

Thanh Hiếu

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.