Xuất khẩu tôm: Chủ động vượt rào cản

0

Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi kéo theo yêu cầu tiêu chuẩn thủy sản của các thị trường ngày càng cao. Nhiều quốc gia đang đặt ra các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm tôm nhập khẩu. Đây là thách thức lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải vượt qua để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều thách thức

Giai đoạn 2010 – 2023, tôm Việt Nam đã có mặt ở khoảng hơn 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Song, trước những biến chuyển xu hướng tiêu dùng, các thị trường không chỉ nâng chuẩn chất lượng mà đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng như những yêu cầu về trách nhiệm xã hội (đặc biệt là các trách nhiệm đối với người lao động).

xuất khẩu thủy sản

Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản. Ảnh: PTC

Điển hình như việc mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ tiếp tục bị điều tra chống trợ cấp với nhiều cáo buộc phức tạp nhất từ trước tới nay. Cụ thể, cuối năm 2023, Hiệp hội các Nhà chế biến tôm Mỹ đã đệ đơn yêu cầu điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 4 nước: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam với hơn 40 chương trình. Kết quả điều tra sơ bộ đã có ở mức 2,84% và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải ký quỹ từ tháng 4/2024. Dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng và tháng 10/2024, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) sẽ bỏ phiếu đánh giá kết quả điều tra. Từ động thái mới của DOC đối với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm, giới chuyên gia cho rằng con tôm Việt sẽ còn đối mặt khó khăn mới đầy phức tạp. Bởi Mỹ là thị trường quan trọng của ngành tôm. Với kết quả phán quyết thuế sơ bộ từ DOC sẽ càng làm ì ạch sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường Mỹ.

Cùng đó, tôm Việt Nam hiện còn đang cạnh tranh với các quốc gia khác ở phân đoạn logistics. Theo số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu tôm đã tăng trưởng ở các thị trường ít chi phí vận chuyển, cụ thể 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 260 triệu USD, tăng 21% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tại nhiều thị trường chi phí vận chuyển tốn kém khiến lượng hàng xuất khẩu giảm sút. Các công ty xuất khẩu cho biết cước tàu tăng đột biến từ 40 – 60% do phải đi vòng tránh các khu vực chiến tranh xung đột. Ngoài ra nhiều nước thu gom container rỗng để dự phòng xuất khẩu khiến giá thuê tăng vọt.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm quá cao khiến tôm Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu vẫn tiếp diễn khi thời điểm hiện nay tại nhiều vùng nuôi, người nuôi không mặn mà xuống giống.

Đương đầu thử thách

Ngành tôm thế giới đều đối mặt với khó khăn về tiêu thụ và giá cả, đặc biệt Ấn Độ, Ecuador đã và đang chật vật trong việc duy trì tăng trưởng của ngành tôm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc chỉ nhập khẩu hơn 367.000 tấn tôm, trị giá 1,78 tỷ USD, giảm 11% về khối lượng và 24% về giá trị. Ecuador là quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất vào Trung Quốc trong tháng 5, với hơn 50.000 tấn, trị giá 226 triệu USD, giảm 31% về lượng và giảm 42% về giá trị do giá tôm giảm sâu. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2024, giá nhập khẩu tôm trung bình từ Ấn Độ vào Trung Quốc (chủ yếu là tôm bỏ đầu) giảm 11% xuống còn 5,07 USD/kg. Giá tôm Ecuador (chủ yếu tôm nguyên con) giảm 16% xuống 4,5 USD/kg.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành tôm Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, dù chưa đạt như kỳ vọng. Xuất khẩu tôm sang EU tính đến tháng 6/2024 đạt 165 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ năm trước, đặc biệt xuất khẩu tăng liên tiếp hai tháng 4 và 5 vừa qua.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng 62% từ 585 triệu USD năm 2015 lên 950 triệu USD năm 2022 và 786 triệu USD năm 2023. Năm 2024 là năm thứ 10 thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), vì thế đây là thời điểm tốt để đôi bên xem xét gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam.

Tại các thị trường Mỹ và EU, tôm Việt vốn đã được “thử lửa” nhiều lần bởi các thử thách là rào cản thương mại và kỹ thuật nhưng đều duy trì sự tăng trưởng tốt. Đây là lợi thế khi so với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador… Theo ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp là “cơ hội” tốt cho Việt Nam khi những năm trước, Ecuador không bị áp thuế trong khi Việt Nam và Ấn Độ đều bị áp thuế.

Có thể nói đây là thời điểm “cái khó ló cái khôn”, là lúc cần thể hiện bản lĩnh của ngành tôm Việt Nam.

Bước đi đột phá

Năm 2024, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu mới chạm con số 1,6 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, chắc chắn từ doanh nghiệp, người nuôi, các cơ quan hữu quan sẽ cần những bước đi đột phá trong những tháng cuối năm 2024.

VASEP dự kiến nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tăng trở lại từ cuối quý III/2024 để phục vụ giai đoạn lễ Quốc khánh và Tết Trung thu, từ 17/9 – 7/10. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc có khả năng sẽ tăng trong giai đoạn này.

Do đó, đối với sản xuất trong nước, để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh đồng thời giảm giá thành nuôi tôm, không còn cách nào khác là các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư vào các vùng nuôi, chủ động nguồn nguyên liệu. Đơn cử như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã có tổng diện tích vùng nuôi 525 ha có thể cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Hy vọng việc đầu tư mở rộng vùng nuôi nhằm giảm giá thành sẽ là chiến lược đầu tư bền vững của các doanh nghiệp ngành tôm trong thời gian tới.

Về “đối ngoại”, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để giảm thiểu các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Mỹ; quy định về quota tại Hàn Quốc… hiện đang tác động trực tiếp đến tâm lý cũng như tiến độ xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản. Song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng mới để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn. Việc tôm Ecuador và Ấn Độ đang bị cảnh báo về kháng sinh và vấn đề lao động, có thể có những cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng và nghiêm túc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu.

Với dự đoán của ngành chuyên môn, năm 2024 lĩnh vực xuất khẩu vẫn chưa thể phục hồi trở lại như trước và sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đang tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nguyễn Anh – Thanh Hiếu

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.