Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản tăng đột biến

0

Tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản (NLTS) đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặt hàng nào cũng tăng đột biến, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 100%.

Thị trường đang phục hồi tốt

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2024 nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng: lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.

Về thị trường, giá trị XK NLTS tới các thị trường đều tăng. Trong đó XK sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%)… Giá trị XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Ở chiều ngược lại, trong tháng 1/2024, kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 3,72 tỷ USD, tăng 45,1%. Như vậy, trong tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp xuất siêu 1,43 tỷ USD, tăng gấp 4,6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2023. So với số liệu xuất siêu trong tháng 1/2024 Tổng cục Thống kê công bố 2,92 tỷ USD, xuất siêu trong lĩnh vực NLTS chiếm gần một nửa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường đang phục hồi tốt. “Mặt hàng nào XK cũng tăng đột biến: XK gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6 – 81% tùy mặt hàng; XK hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%…” – ông dẫn chứng.

Thúc đẩy tìm kiếm thị trường mới

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, giai đoạn năm 2021 – 2023, ngành Nông nghiệp cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, sang 2024 là năm tăng tốc và kết quả XK tháng đầu năm báo hiệu một năm nhiều thuận lợi…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT xác định Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm. “Tới đây, Bộ sẽ thúc đẩy mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… Đồng thời, tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh XK hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng XK mới…” – Thứ trưởng cho biết thêm.

Riêng Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử…, vì đây là xu hướng tất yếu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, XK NLTS, đặc biệt là XK qua đường sắt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với Bộ GTVT Trung Quốc, Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và chính quyền các tỉnh giáp biên phía Trung Quốc về các giải pháp cấp thiết và trung – dài hạn, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển các mặt hàng NLTS. Trước mắt là hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung để tăng lượng hàng hóa NLTS vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu biên giới thời gian qua.

Thủ tướng giao Bộ GTVT tập trung tổ chức các giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa NLTS XK sang Trung Quốc; trước mắt, sớm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hóa bằng đường sắt tại cửa khẩu này.

Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT trong quý I/2024 chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trao đổi, làm việc phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa NLTS tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên (Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang) có tính kết nối các trục giao thông đang xây dựng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân địa phương, doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu hai phía…

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch XK, gồm gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Về cơ cấu hàng hóa XK có sự tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm XK NLTS (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm gần 85% tổng kim ngạch XK cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước đó.

Thanh Thanh

Nguồn: Pháp luật plus

Leave A Reply

Your email address will not be published.