Tôm bị ký sinh trùng đường ruột là một vấn đề thường xảy ra ở các ao nuôi tôm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trưởng thành và năng suất của vụ nuôi.
Bên cạnh đó, công tác xử lý, xổ ký sinh trùng trên tôm cũng không hề đơn giản và dễ tái nhiễm. Việc hiểu và thực hiện xổ ký sinh trùng cho tôm đúng cách, đạt hiệu quả triệt để là rất cần thiết.
Xổ ký sinh trùng có ảnh hưởng gì đến tôm?
Đường ruột tôm cũng có cấu tạo từ các nhung mao, với chức năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Ruột tôm cơ bản có 2 thành phần chính là hệ thống enzyme và hệ vi sinh vật có lợi lẫn có hại. Khi thức ăn vào đường ruột, những vi khuẩn có lợi sẽ tiến hành hấp thu dinh dưỡng rồi chuyển hóa thức ăn này trong nội bào của chúng, chúng cũng tiết enzyme để thức ăn được hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa dễ dàng hơn.
Sự cạnh tranh sẽ xảy ra liên tục trong đường ruột tôm giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Do đó, bên nào chiến thắng sẽ là nhóm vi sinh vật chiếm ưu thế trong ruột. Sẽ chẳng khó khăn nếu như nhóm vi khuẩn có lợi chiếm ưu thế.
Nhưng sự thật thì nhóm vi sinh vật có hại lại thường là nhóm thắng thế nhiều hơn. Dẫn đến nhiều sự bất lợi về sức khỏe của tôm, trong đó đáng ngại nhất là tạo điều kiện cho ký sinh trùng phát triển trong đường ruột, khiến tôm không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng, từ đó chúng không phát triển và lớn lên được.
Vì chức năng quan trọng của đường ruột, nên xổ ký sinh trùng được xem là một phương pháp trị bệnh dễ thực hiện, có hiệu quả và cần thiết trong nuôi tôm, để hạn chế và giảm bớt sự gây hại của loại tác nhân gây hại cho đường ruột tôm, giúp tôm mau lớn, khỏe mạnh.
Đường ruột tôm bị nhiễm ký sinh trùng sẽ có dạng ziczac, đứt khúc hay hiện tượng đục cơ. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Để kịp thời phòng ngừa và điều trị tôm bị ký sinh trùng đường ruột, bà con cần theo dõi thường xuyên và lưu ý đến các biểu hiện sau:
– Ruột tôm: có hình ziczac, hay bị “xoắn lò xo. Đường ruột tôm cong, phình, có dịch vàng hơi hồng hoặc đứt từng đoạn, không có thức ăn trong đường ruột.
– Tôm có màu nhạt, tôm ăn chậm, yếu, tăng trưởng kém. Tôm bị nhiễm bệnh có dấu hiệu chuyển sang màu trắng sữa hoặc trắng đục, sắc tố melanin ở tế bào biểu bì của tôm giảm.
– Niêm mạc ruột giữa bị hư hại và dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại như nhóm vi khuẩn Vibrio (gây ra bệnh phân trắng ở tôm). Tôm bị đục cơ ở các bộ phận gần cuối cơ thể hoặc phần lưng, vỏ mềm.
– Trên mặt nước ao nuôi có thấy các sợi phân trắng đục
– Xuất hiện chấm gạo đường ruột đốt thứ 6 (mũ đuôi)
Mặc dù có nhiều dấu hiệu, tuy nhiên khi tôm bị nhiễm ký sinh trùng, nếu không có kinh nghiệm sẽ khó khăn để nhận biết bằng mắt thường. Do đó, tốt nhất bà con nên mang tôm đi xét nghiệm. Việc xét nghiệm còn giúp bà con xác định được mật độ ký sinh trùng trên tôm là bao nhiêu, tôm có gặp vấn đề về đường ruột đi kèm hay không, và từ đó lựa chọn được phương án xử lý phù hợp, mang lại hiệu quả triệt để nhất.
Thông thường khi tôm vào giai đoạn 30 ngày tuổi (khoảng 1 tháng), nên mang đến các phòng LAB kiểm tra ký sinh trùng trong gan tụy và đường ruột. Phát hiện sớm bất thường sẽ dễ dàng điều trị hơn, ngay từ ban đầu. Loại ký sinh trùng xuất hiện nhiều nhất là EHP, Gregarine và thể Vermiform.
Xổ ký sinh trùng như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Trước khi tiến hành xổ ký sinh trùng cho tôm, điều tiên quyết là phải mang tôm đi kiểm tra, xem mức độ nhiễm ký sinh trùng, đồng thời kết quả này cũng biểu thị tình trạng sức khỏe tôm hiện tại. Theo đó có thể xác định nên chọn loại thuốc hóa chất xổ ký sinh nào cho phù hợp.
Để việc xổ ký sinh đạt hiệu quả, bà con có thể sử dụng thảo dược là cây cỏ lào và cây phèn đen (2 loại thảo dược có công dụng trong điều trị bệnh phân trắng, viêm đường ruột do ký sinh trùng, vi bào tử trùng, Vibrio) để điều trị cho tôm.
Với triệu chứng nhẹ: Trộn 1 lít sản phẩm sử dụng với 50kg thức ăn, cho tôm ăn định kỳ 1 ngày/lần. Nặng hơn: Trộn 1 lít sản phẩm sử dụng với 20 – 30kg thức ăn, cho ăn tất cả các cử trong ngày và liên tục trong 3 ngày. Lưu ý, không nên cho ăn thời gian dài hoặc quá liều bởi ruột tôm sẽ dễ bị xoắn.
Thực hiện với tôm nuôi sau 1 tháng (30 ngày tuổi), vì tôm đã hình thành các chức năng chính trong cơ thể, có thể chịu đựng được các hóa chất, sản phẩm có hiệu quả xổ ký sinh. Ảnh: tepbac.com
Sau khi xổ ký sinh trùng, cần xử lý môi trường nước ao ngay lập tức. Diệt ký sinh trùng bằng Chlorine hoặc thuốc tím, giúp tiêu diệt tận gốc ký sinh trùng xổ ra từ tôm và tồn tại trong nước ao, chống tái nhiễm.
Sau khi đã xổ ký sinh, tôm nên được chăm sóc một cách kỹ càng hơn bằng cách bổ sung thêm enzyme tiêu hóa, acid hữu cơ hoặc men vi sinh vật có lợi vào đường ruột, tạo điều kiện cho chúng chiếm ưu thế hơn, từ đó tôm sẽ ít bệnh hơn.
Cho tôm ăn thức ăn chất lượng, độ đạm phù hợp với các cử ăn hợp lý, tránh tình trạng dư hoặc thiếu, gây hại cho sự tiêu hóa trong đường ruột tôm.
Ngoài ra, một số yếu tố khác có liên quan cũng nên được chú ý đó là các chỉ tiêu trong môi trường nước, đặc biệt là pH, độ mặn, các khí độc trong ao nuôi ở mức độ có thể kiểm soát được. Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, để có những biện pháp xử lý kịp thời có thể khi có bất thường xảy ra đối với tôm.
Nhất Linh
Nguồn: Tép Bạc