Vĩnh Phúc: Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản

0

Nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, ngành chức năng Vĩnh Phúc đã có khuyến cáo các hộ nuôi tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ.

Duy trì ổn định

Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản với hệ thống sông, suối, ao, hồ khá dày đặc được phân bố rộng khắp tại 9 huyện, thành phố. Cùng với đó hệ thống Sông Hồng, Sông Lô, sông Phan, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ, hệ thống kênh mương thủy lợi như kênh Bến Tre, kênh Liễn Sơn… đã tạo điều kiện để các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản.

Người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản trong giai đoạn nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Người dân cần tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản trong giai đoạn nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hiện toàn tỉnh có gần 7.000 ha nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Nhờ thực hiện tốt nhiều giải pháp nên sản xuất thủy sản thời gian qua phát triển tương đối ổn định. Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 4/2024 ước đạt 1.982,5 tấn, tăng 3,42% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 114,7 tấn, tăng 1,68% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.867,78 tấn, tăng 3,53%. Số lượng con giống sản xuất trong tháng ước đạt 368 triệu con, tăng 2,22% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.890,15 tấn, tăng 3,13%. Trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt 577,2 tấn, giảm nhẹ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 7.312,95 tấn, tăng 3,43%; sản lượng con giống sản xuất ước đạt 1.350 triệu con, tăng 1,88% so cùng kỳ.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, ngành thủy sản đang phải đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến thất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.

Chủ động giám sát

Từ tháng 4 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao kết hợp với mưa dông làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2024 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Nguy cơ cao xảy ra các trận dông, lốc, mưa đá.

Do đó, nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc đã có khuyến cáo các hộ nuôi tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ.

Theo đó, trong ương cá giống, cần duy trì mật độ cá ương nuôi, đảm bảo môi trường đủ ôxy. Không thả cá bột, cá hương xuống ao nuôi khi trời đang nắng gắt hoặc chuẩn bị mưa rào.

Đối với hệ thống ao, luôn duy trì mực nước trong ao từ 1,8 m trở lên, giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Tăng cường vận hành máy quạt nước, máy phun mưa để cân bằng nhiệt độ môi trường nước, tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt dễ nhiễm bệnh.

Trong các ao nuôi lươn, ếch cần tạo nơi trú bằng các ống tre, nứa buộc thành từng bó nhỏ đặt ở các góc ao.

Trường hợp nuôi cá lồng, cần di chuyển lồng nuôi xuống khu vực nước chảy sâu hơn tránh sự tác động bất lợi khi nhiệt độ tăng cao, sử dụng lưới chống nhiệt che phủ phía trên lồng nuôi để chống nóng.

Ngoài ra, người nuôi cần sử dụng thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng. Hàng ngày, cho ăn vào sáng sớm và chiều mát, giảm từ 20 – 30% lượng thức ăn hoặc cắt bớt thức ăn vào buổi chiều đối với những ao nuôi thâm canh cá rô phi. Đồng thời, tăng cường bổ sung men tiêu hóa, Vitamin C… vào thức ăn cho thủy sản nuôi để tăng sức đề kháng.

Các hộ nuôi cần theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin truyền thông để chủ động ứng phó.

Đặc biệt, trong quá trình nuôi, khi phát hiện thủy sản bị bệnh hoặc có hiện tượng chết bất thường, cần liên hệ cơ quan chuyên môn, cán bộ thú y để có biện pháp hướng dẫn xử lý kịp thời, hiệu quả. Lưu ý, không tự ý dùng thuốc, hóa chất để xử lý khi chưa rõ nguyên nhân.

Nguyễn Hằng

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.