Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, tập trung vào các loài đặc sản có chất lượng, giá trị cao, đa dạng sản phẩm.
Vĩnh Long hiện có 1.943 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm 0,01% so cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 288,6 ha, giảm 0,51% hay giảm 1,5 ha. Hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra vẫn chưa ổn định, giá cá thương phẩm giảm, số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.
Vùng nuôi cá lồng, bè của Vĩnh Long tập trung chủ yếu các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long. Ngoài 2 đối tượng chủ lực là cá tra và cá điêu hồng, người dân còn nuôi một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất như: tôm càng xanh, thát lát, cá hô, cá trê vàng, cá lóc, lươn, ba ba, ếch…
Lươn là một trong những đối tượng giá trị kinh tế được người dân lựa chọn để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Thúy Hằng
Toàn tỉnh có 206 cơ sở nuôi cá lồng, bè với 1.638 lồng, bè, tăng 15 chiếc; trong đó hiện đang thả nuôi 1.202 chiếc, giảm 37 chiếc so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cá lồng, bè 7 tháng đầu năm 2024 ước được 10.661 tấn, so cùng kỳ tăng 2,66% hay tăng 276 tấn. Hiện nay, giá bán thức ăn thủy sản giảm, người nuôi thay đổi giống và đa dạng các loại cá khác có giá trị kinh tế cao hơn và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 95.284 tấn, tăng 1,3% hay tăng 1.219 tấn so cùng kỳ năm trước; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 91.375 tấn, tăng 1,33% hay tăng 1.197 tấn. Riêng cá tra nuôi công nghiệp đạt 63.463 tấn, tăng 1,05%.
Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.250 ha; trong đó diện tích nuôi cá tra 500 ha và có 2.000 lồng bè nuôi thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 166.000 tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất thủy sản. Cùng đó, tăng cường liên kết theo chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp, tăng cường liên kết trong chế biến để đa dạng chuỗi sản phẩm cho nhiều thị trường và tăng cường liên kết hệ sinh thái tạo điều kiện kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường.
Đẩy mạnh tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt; quan trắc môi trường ở các vùng nuôi; hỗ trợ phối hợp Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản thu mẫu nước cấp vùng nuôi cá rô phi, cá tra tập trung. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi kết quả quan trắc của các cơ quan chuyên môn khác để theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trên các sông chính, kênh rạch tự nhiên đối với các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn và ngọt có thể ảnh hưởng tới hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở các khu vực đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả, ảnh hưởng xâm nhập mặn với các loài thủy sản nuôi phù hợp, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hiếu
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn