Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh trong năm 2023, đạt 290,5 triệu USD, giảm 10,9% so với năm 2022. Năm 2024, thủy sản Việt ở thị trường này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ.
Thị phần giảm mạnh
Theo thống kê của ITC, năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Anh đạt 4,29 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2022. Năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Anh giảm do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ thủy sản bị ảnh hưởng đáng kể. Năm 2024, lạm phát hạ nhiệt sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại nước này. Lạm phát tại Anh đã giảm xuống 5,3% trong tháng 2/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 và giảm 1,5% so với tháng 1/2024. Năm 2023, Anh giảm nhập khẩu thủy sản từ nhiều thị trường cung cấp lớn, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc, Ecuador, Ba Lan và Đức tăng.
Tôm vẫn là mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại Anh. Ảnh: ST
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh trong năm 2023, đạt 290,5 triệu USD, giảm 10,9% so với năm 2022. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Anh giảm từ 7,2% năm 2022 xuống còn 6,8% trong năm 2023. Trong đó, thị phần sản phẩm tôm với 2 mã HS 030617 và 160521 của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh giảm, trong khi thị phần fillet cá da trơn mã HS 030462, tôm chế biến mã HS 160529 tăng. Thị phần tôm mã HS 030617 của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh giảm do năm 2023 Anh tăng nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Ecuador, Honduras và Argentina với mức tăng lần lượt là 2,2%; 23% và 31,8%, đạt 66,5 triệu USD, 41,7 triệu USD và 7,5 triệu USD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp sản phẩm mã HS này lớn thứ 2 cho Anh, sau Ấn Độ. Với mặt hàng tôm mã HS 160521, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp lớn nhất cho Anh. Tuy nhiên, năm 2023, trong khi giảm mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Anh tăng nhập khẩu mặt hàng tôm này từ thị trường Iceland, Na Uy và Ấn Độ.
Triển vọng xuất khẩu
Đa phần người dân Vương quốc Anh đều ăn cá hoặc thủy sản ít nhất 1 lần/tuần. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người dân sử dụng thủy sản làm thực phẩm chính trong ít nhất 2 bữa ăn mỗi tuần nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Thị hiếu của người dân Vương quốc Anh cũng khá ổn định. Người tiêu dùng tại thị trường này cũng khó thay đổi thói quen. Chiếm khoảng 62% lượng tiêu thụ thủy sản của Vương quốc Anh là 5 loài hải sản chính, bao gồm cả tôm với phần lớn nguồn cung đến từ các quốc gia khác.
Người tiêu dùng Anh luôn chỉ lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng. Tuy nhiên lạm phát tăng cao ở Anh tác động mạnh tới quyết định chi tiêu của người tiêu dùng Anh đối với các sản phẩm thủy sản. Những sản phẩm thủy sản đông lạnh, tiện dụng dễ chế biến ở nhà sẽ là sản phẩm thủy sản được ưu tiên lựa chọn trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia dự báo, về ngắn hạn, nhu cầu tiêu dùng thủy sản giá trung bình và rẻ ở dạng đông lạnh và tiện dụng sẽ được người tiêu dùng Anh lựa chọn ưu tiên trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Do vậy các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Anh sẽ tăng trong thời gian tới là tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh cỡ nhỏ và trung bình. Các sản phẩm cá thịt trắng đông lạnh và đóng hộp tiện dụng ở nhà cũng là sản phẩm thủy sản ưu tiên tiêu dùng và được nhập khẩu nhiều vào Anh trong thời gian tới. Mặt hàng cá tra và tôm cỡ trung bình và nhỏ của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng thị phần tại đây.
Về dài hạn, Anh luôn là thị trường có yêu cầu cao và có cầu cao về những sản phẩm thủy sản chất lượng do vậy khi kinh tế phục hồi nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm thủy sản có trị giá cao ở dạng tươi sống, cỡ to phục vụ tiêu dùng ở các nhà hàng sẽ tăng trở lại. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này thì cần có những sản phẩm tiên phong về mẫu mã, hình thức và khẩu vị khi đó mới có thể tăng mạnh thị phần thủy sản ở thị trường Anh.
Với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này thì cần có những sản phẩm tiên phong về mẫu mã, hình thức và khẩu vị khi đó mới có thể tăng mạnh thị phần thủy sản ở thị trường Anh. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã dần thích nghi với những cam kết, khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường UK. Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ.
Anh Vũ
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn