Có nhiều tiềm năng, lợi thế nên nghề nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam đang phát triển mạnh. Đáng chú ý, thời gian gần đây các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản, từ đó, tạo nền tảng xây dựng và phát triển thương mại điện tử cho ngành thủy sản, góp phần tăng cường kết nối các chủ thể trong chuỗi giá trị.
Phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho rằng, những năm qua, hoạt động khuyến ngư đã tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, bước đầu góp phần thay đổi tư duy của ngư dân từ khai thác, nuôi trồng truyền thống sang kinh tế ngư nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, phát triển nuôi thủy vực nước ngọt, lợ, mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường đang được thực hiện ở nhiều địa phương, trong đó, khuyến ngư chuyển giao các công nghệ nuôi mới vào sản xuất như: Nuôi thâm canh và bán thâm canh giúp tăng năng suất nuôi cá truyền thống từ 1 đến 2 tấn/ha tăng lên 15 đến 20 tấn/ha, giảm thời gian từ 2 đến 3 tháng/vụ nuôi so với thông thường, lợi nhuận tăng 200 đến 300 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, hoạt động khuyến ngư cũng đã góp phần không nhỏ trong phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, hồ và biển, giúp thay đổi 100% số lượng lồng bè bằng tre gỗ, năng suất 4 đến 5 kg/m2 sang các vật liệu mới với năng suất 20 đến 30 kg/m2. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp Nguyễn Kim Phúc, hiện nay ở một số địa phương và công ty triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả.
Tại tỉnh Quảng Ninh, mô hình nuôi cá lồng trên biển, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, ô-xy hòa tan, thức ăn, sự phát triển của cá…; giúp tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn là 12.050 ha, sản lượng 54.741 tấn, đứng thứ hai trong 14 địa phương khu vực trung du miền núi phía bắc, trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt hơn 4.470 ha; riêng nuôi thâm canh năng suất bình quân 10 tấn/ha, bán thâm canh năng suất bình quân 5 đến 7 tấn/ha.
Việc phát triển diện tích nuôi năng suất cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp sản lượng và năng suất cá thương phẩm tăng theo. Còn theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh hiện nay dù năng suất cao, nhưng còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ cá sống thấp, thức ăn tiêu tốn lớn, nhiều dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí sản xuất cao nên sức cạnh tranh yếu…
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2021 đến 2023, tỉnh đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế với diện tích 3 ha ở các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Qua ba năm triển khai, tỷ lệ cá sống gần 78%, năng suất 26,2 tấn/ha và sản lượng đạt 78,7 tấn/3 ha. Riêng năm 2022, với 1 ha nuôi cá rô phi đơn tính, sau 6 tháng cho thu lãi 100 triệu đồng, cao hơn 24% so với nuôi thông thường.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Tân Yên (Bắc Giang) Dương Văn Long chia sẻ: “Tân Yên là địa phương có tiềm năng phát triển thủy sản với diện tích mặt nước hơn 1.400 ha. Những năm gần đây, diện tích nuôi thủy sản thâm canh duy trì hơn 1.000 ha, sản lượng đạt hơn 7.000 tấn/năm. Thời gian qua, nhiều hộ dân đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa vào nuôi thủy sản với diện tích hơn 15 ha góp phần nâng cao sản lượng, năng suất cá thương phẩm. Thực hiện đề án phát triển trang trại nuôi thủy sản thâm canh cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015 triển khai tại địa bàn với năm hộ dân thuộc xã Ngọc Châu, thị trấn Cao Thượng tham gia, diện tích gần 20 ha, cho năng suất cá đạt 15,8 tấn/ha, doanh thu ước đạt hơn 300 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với trước”.
Ông Nguyễn Đình Lăng, xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá 18 năm nay nhưng trước đây năng suất lúc cao đạt từ 4 đến 5 tấn/vụ sau một hoặc hơn một năm nuôi thu nhập chỉ được 70 đến 80 triệu đồng. Từ khi tham gia mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh, hiệu quả tăng rõ rệt. Dự kiến, với diện tích 0,5 ha sau 6 tháng nuôi cho lãi gần 100 triệu đồng”.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, bên cạnh những cơ hội thì ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, nhất là nhân tố trong chuỗi giá trị, quản lý các yếu tố đầu vào, môi trường, dịch bệnh, quy trình sản xuất… Một trong những mục tiêu của Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam trong tương lai là tối ưu hóa hiệu quả quản lý sản xuất thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, bởi chuyển đổi số với việc ứng dụng thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin giúp hệ thống hóa số liệu vùng nuôi, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý môi trường và dịch bệnh, góp phần giảm công lao động, tăng độ chính xác trong quản lý và giám sát…
Do đó, thời gian tới ngành thủy sản cần nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh; tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ đối với sản phẩm cá da trơn, tôm nước lợ; đồng thời chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trên nhóm sản phẩm thủy sản…; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết trong chuyển giao công nghệ và đào tạo khuyến nông viên số, khuyến nông viên công nghệ cao.
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa, sản lượng đạt 9,269 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP ước đạt 13.000 ha, sản lượng ước đạt 1,65 triệu tấn.
Nguyên Phúc
Nguồn: Nhân dân