Quanlian Jicai, đơn vị nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc, cho biết các điều kiện cung cầu tại nước này đang “mất cân bằng trầm trọng”.
Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, tháng 6/2024, nước này nhập khẩu 77.600 tấn tôm đông lạnh, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu chỉ đạt 4,75 USD/kg, giảm 0,07 USD/kg so với tháng 5.
Sản xuất tôm tại Trung Quốc
Ecuador là nguồn cung tôm chính của Trung Quốc, với 63.000 tấn, chiếm 81,2 tổng đơn hàng nhập khẩu trong tháng 6, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 26% so với tháng trước. Ngược lại, các nhà cung cấp như Ấn Độ, Trung Quốc ghi nhận giảm thị phần.
Tính chung nửa đầu năm 2024, Trung Quốc thông quan 436.100 tấn tôm đông lạnh, bao gồm 330.000 tấn nhập khẩu từ Ecuador. Quanlian Jicai, đơn vị nhập khẩu tôm lớn nhất Trung Quốc, cho biết các điều kiện cung – cầu đang mất cân bằng trầm trọng và giá vẫn trên đà giảm. “Thị trường thủy sản đông lạnh trên khắp cả nước đang vô cùng ảm đạm, các thương nhân đang chịu lỗ. Càng bán, càng lỗ”, Quanlian cho biết.
Theo đơn vị này, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tồi tệ như hiện tại là do nền kinh tế suy thoái khiến sức mua các mặt hàng hải sản “không cần thiết” sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, các container nhập khẩu vẫn tiếp tục được thông quan, tồn kho nội địa chưa được giải phóng khiến thị trường nội địa bị “nghẹt thở”.
Cùng lúc đó, việc mở rộng sản xuất các trang trại nuôi tôm ở phía bắc Trung Quốc đang “cướp” thị phần của tôm nhập khẩu và ép giá các mặt hàng này. Quanlian cho rằng nếu đến tháng 12 năm nay các kho hàng không được giải phóng một cách đáng kể, khối lượng hàng tồn của Trung Quốc sẽ lập kỷ lục mới. Điều này sẽ tác động đến chi phí của tháng 1 và tháng 2 do vướng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán – một trong những thời điểm “mua bán sầm uất” của Trung Quốc.
Năm trước, tồn kho của Trung Quốc đạt 7.000 – 8.000 container, giảm 5.000 – 6.000 so với tháng 12 và tháng 1.
An Vy
Theo UCN
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn