Xác định 2023 là một năm đầy sóng gió, khó khăn bủa vây, nên ngành thủy sản Việt Nam đã có kế hoạch ứng phó ngay từ đầu năm. Mặc dù kết quả không như kỳ vọng, song những nỗ lực “vượt gió rẽ sóng” suốt năm 2023, sẽ là “đà bật nhảy”, để ngành hàng chủ lực của nền kinh tế gặt hái thành công trong năm 2024.
Sản lượng nuôi vượt chỉ tiêu
Cục Thủy sản cho biết, ước tính đến hết tháng 12/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong đó: Khai thác đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022. So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 102,4% (9,05 triệu tấn). Theo đó, sản lượng khai thác vượt 4,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (giảm còn 3,68 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 100,7%.
Tổng diện tích NTTS năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m3 lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, bao gồm: 4,3 triệu m3 lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m3 lồng nuôi tôm hùm và 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022 gồm: Nhuyễn thể 440.000 tấn; đối tượng khác 300.000 tấn; cá biển 46.000 tấn; tôm hùm 3.800 tấn.
Triển vọng “con tàu” thủy sản Việt năm 2024
Kiểm soát tốt hoạt động khai thác
Năm 2023, tổng sản lượng khai thác thủy sản Việt Nam ước khoảng 3,861 triệu tấn, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, giảm 3,68 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác biển 3,66 triệu tấn, giảm 0,3% so với năm 2022.
Thực hiện những khuyến nghị của EC trong tiến trình gỡ “thẻ vàng”, số lượng tàu cá cả nước chỉ còn 83.430 chiếc, giảm 6.292 chiếc so với năm 2022 là 89.722 chiếc. Trong đó: Tàu có chiều dài 6 – 12 m là 37.770 chiếc (giảm 5.230 chiếc); tàu 12 – 15 m là 16.000 chiếc (giảm 480 chiếc); tàu 15 – 24 m là 26.500 chiếc (giảm 470 chiếc); tàu trên 24 m là 2.510 chiếc (giảm 112 chiếc).
Năm 2023, Cục Thủy sản đã chủ trì, phối hợp tổ chức 13 đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương, về việc triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Cục đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, làm việc với đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 sang thanh tra tại Việt Nam về IUU trong (tháng 10/2023). Cục Thủy sản đã tham gia kiểm tra việc chống khai thác IUU tại các tỉnh, thành phố ven biển; tổng hợp thông tin danh sách 9.855 tàu cá, có nguy cơ cao vi phạm quy định IUU, đăng tải lên website của Cục.
Kỳ vọng đà tăng trưởng về xuất khẩu
Trong Báo cáo triển vọng 2024, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) kỳ vọng, sản lượng xuất khẩu cá tra và tôm sang Mỹ, sẽ có sự hồi phục trong năm 2024. Chủ yếu là nhờ: Tiêu thụ cá tra và tôm cải thiện tốt, do nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao trong năm 2024, nếu lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.
Đặc biệt, với giá cá tra hợp lý, đang dần thay thế các loại cá thịt trắng khai thác tự nhiên. Dự báo, sau khi trải qua mùa lễ hội cuối năm 2023, lượng hàng tồn kho tại các thị trường sẽ suy giảm; mức thuế chống bán phá giá thấp, sẽ được tiếp tục duy trì.
Tại thị trường Trung Quốc, PSI kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này cũng sẽ phục hồi, nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá, giá bán bình quân ở thị trường này luôn thấp hơn khoảng 40%, so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. Do đó, PSI cho rằng, mức giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ chưa thể tăng nhanh.
Theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm này. Với sự thích nghi, điều chỉnh tùy theo bối cảnh thị trường, dự đoán doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 – 10 tỷ USD trong năm 2024. Theo đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD; cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD; còn lại là các mặt hàng hải sản khác – dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Bộ NN&PTNT cho biết: 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.
Để thích ứng, năm 2024, ngành thủy sản tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp, để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác. Qua đó, tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp
ứng mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản bám sát, triển khai tốt quy chế phối hợp giữa Cục Thủy sản và Cục Thú y, liên quan đến công tác quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản, quản lý hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật để cải tạo xử lý môi trường. Đối với lĩnh vực hải
sản, cần tổ chức lại sản xuất nuôi biển, hướng dẫn cho ngư dân chuyển đổi nghề, từ khai thác ven bờ sang nuôi trồng hải sản và rong biển. Cần tập trung theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý, đảm bảo tuân thủ các quy định về IUU. Mục tiêu phải gỡ được “thẻ vàng” trong quý II/2024.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản
Năm 2024 sẽ tăng cường những giải pháp kiểm soát, nhằm nâng cao chất lượng vật tư đầu vào (con giống, thuốc, thức ăn…); tập trung phát triển các đối tượng thủy sản bản địa, đặc sản. Trong lĩnh vực khai thác, phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo ATTP trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy chế biến. Thời gian tới, ngoài yêu cầu về giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng mô hình sản xuất xanh, thì đối với lĩnh vực NTTS, vấn đề phúc lợi động vật cũng cần được quan tâm. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước, mà còn là xu hướng tất yếu của thị trường tiêu dùng thế giới.
Hoài Phương
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn