Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng

0

Thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích được đặt ra ngay từ những ngày đầu, Hội Nghề cá Việt Nam – “cánh tay nối dài” của ngành thủy sản, vẫn luôn hoàn thành tốt vai trò của mình; sát cánh cùng ngư dân trên mọi lĩnh vực hoạt động. Tiếng nói của Hội ngày càng tăng thêm sức mạnh và nhận được sự tin tưởng ngày một lớn của ngành và người nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Vững mạnh cùng năm tháng

Hội Nghề cá Việt Nam tiền thân thành lập từ năm 1988. Năm 2000, trên cơ sở hợp nhất giữa Hội Nuôi thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam lấy tên gọi là Hội Nghề cá Việt Nam. Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và tự chủ về tài chính.

Nhiệm kỳ qua, Hội khắc phục mọi khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, tài chính thiếu thốn, vẫn đảm bảo tổ chức phát triển và hoạt động có nhiều kết quả; đồng thời, khẳng định được vai trò đối với hội viên, nông – ngư dân, doanh nghiệp và nghề cá cả nước.

Sở dĩ, Hội Nghề cá Việt Nam thực hiện tốt những điều này là do đã có những thuận lợi nhất định. Trên hết là trong nhiệm kỳ qua Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển ngành thủy sản như: Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Chiến lược Phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Nghị định 67/2014/NĐ-CP; Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ phát triển mạnh, nhiều chỉ tiêu của ngành đạt và vượt kế hoạch hàng năm.

Hội Nghề cá Việt Nam đã luôn đồng hành và kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hội viên, ngư dân. Ảnh: NT

Bên cạnh đó, Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các tổ chức quốc tế… Cùng đó, tập thể lãnh đạo Hội từ Trung ương đến các địa phương làm việc đầy nhiệt huyết, đồng thuận và đoàn kết. Cộng với việc được thừa hưởng các thành quả và bài học thực tiễn gần 35 năm qua, đã khẳng định vai trò là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tin cậy của hội viên, ngư dân. Chính vì vậy, hai nhiệm kỳ Quốc hội 14 và 15, Hội đều được giới thiệu và tín nhiệm của cử tri, nhân dân bầu vào Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian qua, hoạt động Hội cũng gặp những khó khăn nhất định. Trước hết là việc nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến tiêu thụ thủy, hải sản thường gặp nhiều rủi ro, gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp. Phải kể đến là các vụ việc nước ngoài ngăn cản và bắt giữ tàu cá của ngư dân đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; các vụ kiện tranh chấp thương mại về tôm, cá tra; giá đầu vào và đầu ra biến động liên tục, nhất giá xăng dầu, ngư cụ, con giống, thức ăn, thuốc… Đặc biệt, là ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng năm 2019 – 2020, đại dịch COVID-19 kéo dài đã dẫn đến việc sản xuất – kinh doanh, hiệu quả kinh tế của ngành giảm sút; công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, chính sách phát triển thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa theo kịp với thực tế sản xuất, kinh doanh, đặc thù ngành công nghiệp khai thác và NTTS.

Thêm nữa, hoạt động của Hội còn chậm đổi mới, đội ngũ cán bộ thiếu chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tổ chức của Hội tại nhiều địa phương có sự sáp nhập dẫn đến vai trò có sự giảm sút nhất định…

Củng cố tổ chức lớn mạnh

Hội Nghề cá Việt Nam có tổ chức ở Trung ương, đến các Tỉnh hội và chi hội cơ sở (được xây dựng từ nhiều nhiệm kỳ trước) đã phát huy hiệu quả thiết thực. Ban Chấp hành của Hội, các Ban, đơn vị, các Tỉnh hội thường xuyên được củng cố, bổ sung nhân lực. Hiện nay, Hội Nghề cá Việt Nam có 92 ủy viên Ban Chấp hành, 26 ủy viên Ban Thường vụ, 1 Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Phó Tổng thư ký.

Hội có Văn phòng Trung ương tại Hà Nội, Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Cùng đó, Hội có các ban là: Ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Phát triển thủy sản bền vững, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông; Hội đồng thi đua khen thưởng và kỷ luật; 6 đơn vị chuyên môn và 1 đơn vị báo chí là Tạp chí Thủy sản Việt Nam. Trung ương Hội đã nhiều lần tập trung bàn củng cố hoạt động cơ quan thường trực Hội và các Ban, Văn phòng Hội; xây dựng Đề án đổi mới hoạt động theo hướng từng bước chuyên nghiệp hóa, phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tính đến nay, tổng số hội viên của Hội có sự phát triển đáng kể, tham gia Hội có 32 tỉnh, thành phố với hàng trăm nghìn hội viên; 81 đơn vị hội viên tập thể; tăng 1 Tỉnh hội và 12 đơn vị hội viên tập thể. Nhiều Tỉnh hội địa phương đã thường xuyên kiện toàn và bổ sung Ban Chấp hành rất kịp thời, phát triển hội viên cơ sở, vận động hội viên tích cực tham gia đẩy mạnh hoạt động của Hội, hoạt động thủy sản tại địa phương, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của ngành và hỗ trợ bà con ngư dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao. Điển hình như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Cà Mau…

Chăm lo đời sống ngư dân

Với vai trò là “bà đỡ”, Hội Nghề cá Việt Nam thường xuyên quan tâm và chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và nông dân, ngư dân. Hội đã đi sâu đi sát, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nông dân, ngư dân.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tập hợp và đề xuất nhiều ý kiến đến các cơ quan quản lý Nhà nước về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân, ngư dân, tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đóng góp ý kiến đối với các cơ chế, chính sách đầu tư và tín dụng cho đánh bắt xa bờ, nuôi tôm, cá tra, mua bảo hiểm, dạy nghề, giao đất, hỗ trợ giống, thức ăn…

Cùng đó, kịp thời phản đối các hành vi của các lực lượng nước ngoài xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam; đề xuất giải pháp bảo vệ ngư dân khai thác xa bờ, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên biển. Đồng thời, chủ động đề xuất, phối hợp Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam và các Tỉnh hội tổ chức thăm hỏi, động viên ngư dân sản xuất trên biển gặp nạn…

Bên cạnh đó, Hội cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ngư dân và tham gia góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

>> Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thông qua các hội nghị, hội thảo, báo đài và các phương tiện thông tin đại chúng, Trung ương Hội đã kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân, ngư dân và doanh nghiệp. Kiến nghị các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của ngư dân đối với các vụ việc liên quan hoạt động nghề cá như ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Kiên Giang, Hải Phòng, Khánh Hòa…

Hồng Hà

Leave A Reply

Your email address will not be published.