Triển khai nhiều hoạt động hiệu quả

0

Năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cùng Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, bà con nông dân, ngư dân và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội.

Củng cố tổ chức, phát triển  sản xuất

Năm 2019, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động tích cực, trong đó có việc chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và người lao động nghề cá trong cả nước, góp phần vào sự thành công của Hội cũng như sự phát triển của ngành thủy sản. Năm 2019, Hội đã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức của Hội; bổ sung thêm 2 ủy viên BCH và 2 ủy viên thường vụ; miễn nhiệm 1 ủy viên BCH. Hiện nay, Hội có 92 vị ủy viên BCH, 27 ủy viên Ban thường vụ. Hội đã kết nạp thêm 3 đơn vị hội viên tập thể, hiện Hội có 73 hội viên tập thể. Các cấp Hội Nghề cá, Hội Thủy sản đã tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ, động viên ngư dân bám biển sản xuất. Nhiều Tỉnh hội tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp, Hội đã có các văn bản hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền cho hội viên, ngư dân trong việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật; hướng dẫn thực hiện chống khai thác IUU. Nhiều Tỉnh hội cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng đối với nghề cá ven bờ, tích cực tham gia việc cung ứng vật tư, nhiên liệu cho khai thác trên biển, phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy cho ngư dân (như tại Bình Định).

Thông qua các đài, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, Tạp chí Thủy sản Việt Nam và Website của Hội đã tuyên truyền, phổ biến nhiều chính sách về thủy sản, phản ánh tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngành và kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư dân, nông dân và doanh nghiệp. Nhiều Tỉnh hội đã tích cực hoạt động nắm bắt thông tin kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp bảo vệ quyền lợi của hội viên, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết khó khăn cho hội viên, ngư dân điển hình như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng (bên phải) thăm quan mô hình nuôi tôm của Viêt – Úc – Ảnh: PTC

Tuy nhiên, 2019 cũng là năm mà hoạt động thủy sản từ khai thác, nuôi trồng, đến chế biến tiêu thụ và dịch vụ hậu cần gặp nhiều khó khăn, rủi ro cho sản xuất của ngư dân và doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của bão, lũ; các vụ việc nước ngoài bắt giữ tàu cá và ngư dân; tàu Trung Quốc tấn công, ngăn cản tàu cá của ngư dân đánh bắt trên biển; giá đầu vào, đầu ra biến động nhiều, nhất là giá xăng dầu, ngư cụ, con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… dẫn đến hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế.  Sự việc EU cảnh báo “thẻ vàng” với sản phẩm hải sản khai thác gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sảm phẩm thủy sản của ngư dân và doanh nghiệp; thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, sự phối hợp giữa tổ chức Hội với các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành thủy sản còn hạn chế. Công tác bảo vệ quyền lợi của hội viên và bà con ngư dân, nông dân và hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn khó khăn, hạn chế. Vai trò của Hội trong tập hợp, tham gia xây dựng chính sách, pháp lý chưa sâu rộng, hiệu quả, vì vậy chưa nhận được sự quan tâm cao của  cơ quan quản lý…

Phát triển kinh tế thủy sản bền vững

Trong năm 2020, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Hội, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi của hội viên, nông dân, ngư dân; tham gia thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản năm 2020.

Tuy nhiên, để góp phần đẩy mạnh sản xuất thủy sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, doanh nghiệp và ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị:  Chính phủ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hướng dẫn thi hành luật, quy định lộ trình thực hiện đối với một số nhiệm vụ cần có thời gian để triển khai và thực hiện tạo điều kiện cho các địa phương và bà con ngư dân chuyển đổi kịp với cơ chế chính sách mới. Cùng đó, tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, nhất là đầu tư cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá (như cảng cá, khu neo đậu tàu cá), trang thiết bị cho tàu cá (thiết bị đầu cuối và nâng cấp các trạm bờ để giám sát hành trình hoạt động của tàu cá); hạ tầng nuôi (như hệ thống điện, thủy lợi); tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh điều tra đánh giá đúng khả năng nguồn lợi hải sản các vùng biển và hoàn thiện công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản; sớm thực hiện quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi hải sản. Ngoài ra, đề nghị các Bộ, ngành hữu quan có kế hoạch tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển như: Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quân nhằm hỗ trợ và bảo vệ ngư dân hoạt động trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với ngư dân và các doanh nghiệp hoạt động nghề cá trên biển khi gặp tổn thất do rủi ro, tai nạn hoặc bị lực lượng nước ngoài tấn công.

>> Tại Hội nghị Ban Chấp hành (mở rộng), lần thứ 4, nhiệm kỳ IV (2017 – 2022), Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 43 tập thể và 57 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác Hội năm qua; đồng thời, Hội nghị cũng nhất trí bầu ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh giữ chức Phó Chủ tịch Hội phụ trách khu vực phía Nam.

Vân Anh

Leave A Reply

Your email address will not be published.