Những năm gần đây, dưới tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) như khô hạn, mặn, dịch bệnh… đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất thủy sản của người dân tỉnh Trà Vinh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đa dạng đối tượng nuôi đã giúp người nông dân từng bước tiếp cận sản xuất thích ứng với BĐKH, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Các hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống, luôn gặp nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Từ thực trạng trên, thực hiện các mô hình trình diễn và ứng dụng nhân rộng trong sản xuất, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thích ứng với BĐKH, đem lại hiệu quả bền vững.
Ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao, bền vững. Ảnh: ST
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh, trong NTTS (tôm sú, TTCT) hiện nay việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật rất lớn, điển hình là trong nuôi tôm thâm canh mật độ cao ứng dụng Semi Biofloc 2, 3 giai đoạn… Trước đây, người nuôi chỉ nuôi tôm theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp (còn gọi bán thâm canh và thâm canh). Việc nuôi tôm thâm canh mật độ cao vừa cho năng suất gấp 4 – 5 lần so với thâm canh, còn giúp người nuôi chủ động xử lý tôm trong các giai đoạn thả nuôi. Hiện toàn tỉnh có gần 900 ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, năng suất từ 30 – 50 tấn/ha.
Nông dân Nguyễn Văn Phuộc, ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết, vụ tôm vừa qua, gia đình ứng dụng công nghệ Semi Biofloc 03 giai đoạn trong nuôi TTCT thâm canh mật độ cao, với diện tích 0,17 ha và thả 425.000 con giống. Mô hình đã mang lại hiệu quả rất cao so với cách nuôi thâm canh trước đây, tỷ lệ tôm sống 95%, bình quân tôm đạt trọng lượng 65 con/kg.
Qua 74 ngày nuôi và thu hoạch với sản lượng 8,8 tấn, năng suất 51,7 tấn/ha, lợi nhuận 332 triệu đồng/0,17 ha mặt nước. Người nuôi áp dụng Semi Biofloc trong quá trình nuôi tôm sẽ giúp ổn định môi trường nước, hạn chế dùng hóa chất trong quá trình nuôi; kết hợp với sử dụng hầm biogas xử lý chất thải trong quá trình nuôi.
Đa dạng đối tượng nuôi
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Trà Vinh, do diễn biến thời tiết, môi trường nước bất lợi đã phát sinh các bệnh đỏ thân, đốm trắng, bệnh đường ruột… trên tôm nuôi. Diện tích tôm nuôi thiệt hại tính đến nay gần 388 ha; trong đó, diện tích tôm sú bị thiệt hại gần 130 ha, với lượng con giống hơn 26 triệu con, chiếm 6% tổng con giống thả nuôi và hơn 258 ha TTCT bị thiệt hại, với lượng con giống gần 246 triệu con, chiếm gần 13% tổng con giống thả nuôi.
Tại vùng nước mặn và lợ được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh khuyến cáo cho nông dân nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, thì có thể chuyển đổi hoặc kết hợp với các đối tượng thủy sản khác như: cua biển, nuôi xen canh các loại cá chẽm, cá đối, cá chốt, sò huyết… Đây là phương thức để ứng phó điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, sự chênh lệch giữa nhiệt độ ngày và đêm tại vùng biển rất cao như hiện nay; giúp nông dân đảm bảo được nguồn thu nhập, tránh được rủi ro dịch bệnh trên tôm và giá tôm thương phẩm vẫn chưa cho thấy tăng và có sự ổn định.
Điển hình như mô hình nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến tại huyện Duyên Hải, cho năng suất đạt bình quân trên 4,4 tấn/ha, với giá sò huyết thương phẩm bán ra ở mức 80.000 đồng/kg, hộ nuôi lãi ròng 145 triệu đồng/ha chỉ sau 4 tháng nuôi.
Hoặc như mô hình nuôi 1 vụ tôm sú – 1 vụ nuôi vọp trong ao nuôi tôm sú bán thâm canh của ông Kiên Khanh, ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. Với diện tích 0,6 ha hồ nuôi tôm, ông Khanh thả nuôi lượng vọp giống 55.000 con, sau 6 tháng nuôi, sản lượng vọp thu hoạch được gần 1,5 tấn, bán với giá vọp từ 25.000 – 28.000 đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 35 triệu đồng.
Ngọc Diệp
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn