TP Hồ Chí Minh: Làm giàu từ nuôi tôm trên đất lúa

0

Hiện, nhiều nông dân ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm cho hiệu quả cao. Điển hình có hộ ông Phạm Thanh Minh (ấp 2, xã Đa Phước) với mô hình nuôi TTCT trên 8.000 m2 mặt ao, cho thu nhập khoảng 600 – 800 triệu đồng/năm.

Nuôi tôm trên đất lúa

Năm 1990, ông Minh bắt đầu nuôi gà công nghiệp trên 2.000 m² đất của cha mẹ. Tuy nhiên, năm 2003, do ảnh hưởng dịch H5N1, trạm thú y khuyến cáo phải thay đổi mô hình chăn nuôi, nếu không chuyển đổi, khi gà bị dịch H5N1, tiêu hủy sẽ không được hỗ trợ, vì vậy ông hủy hết đàn. Sau đó, ông Minh có quyết định táo bạo là nuôi tôm trên đất lúa.

Mô hình nuôi tôm tại TP Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Thuần

Mô hình nuôi tôm tại TP Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Thuần

Đầu năm 2004, ông Minh đầu tư để đào ao, mua bạt, tôm giống nuôi trên 2.000 m² đất nhà. Vụ đầu, ông thả 20.000 tôm giống, sau 20 ngày tôm chết hết, lỗ vốn. Gian nan không nản chí, ông quyết định ra tỉnh Khánh Hòa học tập ở Trường Đại học Nha Trang, được hướng dẫn tận tình kỹ thuật nuôi tôm trên đất lúa. Những kỹ thuật nuôi tôm ông Minh được hướng dẫn: cách xây bể nuôi, lót bạt thế nào rồi mới thả tôm post (tôm giống loại hậu ấu trùng), đưa nước từ ao lên thùng đặt trên bể rồi cho nước rỉ giọt xuống bể theo ống (như truyền đạm cho người) để hạ độ mặn cho post quen dần với nước ao…

Khi đã nắm vững kỹ thuật, ông Minh nuôi tôm sú vụ thứ 2 vào cuối năm 2004. Sau 3 tháng, ông Minh thu được 1,2 tấn tôm/2.000 m² ao, size 50 con/kg. Đây là thành công ngoài mong đợi vì kết quả này ở địa phương chưa ai làm được từ năm 2005 trở về trước. Vụ tôm này trừ chi phí, ông Minh lời 80 triệu đồng (thời điểm đó vàng có giá 16 triệu đồng/lượng).

“Hồi đó ở huyện Bình Chánh cũng như Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh không ai tin ở xã Đa Phước nuôi được tôm, vì theo mặc định chỉ có huyện biển Cần Giờ mới nuôi được”, ông Minh chia sẻ.

Nắm vững kỹ thuật, thành công luôn đến

Quyết tâm làm giàu, ông Minh trả hết nợ rồi thuê thêm 9.000 m² ở gần nhà để nuôi tôm. Vì nuôi tôm thương phẩm phải phụ thuộc vào thị trường, đặc biệt phát triển kinh tế gia đình là trên hết nên ông Minh bỏ dần con tôm sú (6 tháng/vụ), chuyển sang nuôi TTCT (tháng/vụ), mỗi năm ông Minh nuôi 3 vụ, thời gian còn lại để cải tạo, khử trùng ao nuôi.

Mỗi vụ tôm, ông Minh thả 300.000 – 400.000 con post (giá 110 đồng/con) mua ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Để post đạt tỷ lệ sống cao nhất, ông Minh chia sẻ bí quyết: “Cốt lõi làm sao con giống quen dần với nước ao mình nuôi, nguồn nước nhà tôi bơm từ sông Cần Giuộc đưa vào ao lắng để nước đạt độ mặn mong muốn, sau đó cho nước từ ao lắng chảy vào ao nuôi (đào thấp hơn ao lắng)”.

Cũng theo ông Minh, vì phụ thuộc vào thị trường, ví dụ như thương lái cần size 100 con/kg, bán cho người tiêu dùng là công nhân, lao động thì người nuôi chỉ nuôi đến cỡ 100 con tôm/kg, thì xuất ao; nếu chợ cần size 30 con/kg, nuôi thêm 1 tháng, hoặc 15 – 20 con/kg thì tăng thời gian nuôi để bán theo yêu cầu. Chỉ với 8.000 m² mặt ao, mỗi năm ông Minh thu hoạch từ 4 – 5 tấn tôm/vụ (từ 12 – 15 tấn/năm), lợi nhuận bình quân 800 triệu đồng/năm, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy nhiều hộ nông dân ở xã Đa Phước tìm đến học hỏi kỹ thuật nuôi, cách lắng lọc xử lý nước, cải tạo ao, vận hành máy, chế biến thức ăn cho tôm…

Theo Hội Nông dân xã Đa Phước, hiện nay trên địa bàn xã có 75 hộ nuôi tôm trên diện tích khoảng 35 ha. Từ khi nuôi tôm, hầu hết những hộ này đều có đời sống kinh tế khá giả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sau dịch, giá tôm bị hạ đến vài chục nghìn đồng/kg, nên người nuôi tôm chỉ hòa vốn.
 Ngọc Diệp

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.