Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ các loài thủy sản quí hiếm đặc biệt là rùa biển đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân. Nhận thức của cộng đồng ven biển tỉnh Bình Định nói chung trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển đã tăng lên rõ rệt.
Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vào năm 2010, Bình Định có các bãi rùa đẻ phân bố tại một số xã ven biển và đảo, trong đó xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) có 2 địa điểm là bãi Hải Giang và bãi Hòn Khô. Tuy nhiên từ năm 2021 tại Nhơn Hải đã xuất hiện một bãi đẻ mới thứ 3 của rùa biển – đó là bãi biển trước khu dân cư của xã.
Nâng cao ý thức bảo tồn rùa biển Việt Nam bằng những hành động tích cực
Khoảng 22 giờ ngày 21.5, sau trận mưa to, một số bà con xã Nhơn Hải phát hiện một con rùa bò lên bãi biển thôn Hải Nam đẻ trứng. Ngay khi nhận được tin báo của người dân, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng và anh Trần Văn Phát – là thành viên Tổ bảo vệ san hô, rùa biển ở địa phương (thuộc Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải) ngay lập tức có mặt để bảo vệ rùa đẻ trứng và tiến hành di dời ổ trứng đến khu vực khoanh vùng tại bãi biển Mũi Cồn (thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải) để ấp nở, bảo vệ.
Cá thể rùa biển này dài 0,94 m, chiều rộng mai rùa 0,86 m, ước nặng hơn 90 kg, thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) – thuộc Nhóm “đang bị đe dọa” theo phân loại của IUCN, Phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Rùa đẻ được 103 trứng.
Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn hải cho biết, đêm qua, mưa to, bãi biển vắng người, chính vì vậy đã tạo điều kiện cho rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Rùa đẻ ở gần mép nước nên chúng tôi đã nhanh chóng di dời ổ trứng rùa đến nơi an toàn. Dự kiến sau 60 ngày nữa, ổ trứng rùa kể trên sẽ nở.
Xã bán đảo Nhơn Hải được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Nhiều rạn san hô và thảm rong tảo – cỏ biển, các loại cá rạn, tôm hùm, nhím biển, sao biển,… Hơn thế, đây cũng là nơi xuất hiện loài rùa biển đến kiếm ăn, lên bãi đẻ trứng. Khu vực từ đảo Hòn Khô Lớn đến Hang Yến là nơi có rạn san hô sống bao phủ (diện tích rạn khoảng 36ha) với nhiều loại san hô cứng, san hô mềm, đa dạng về hình thái tạo nên cảnh quan kỳ thú dưới nước. Đây là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá, đồng thời còn có giá trị cảnh quan để phát triển du lịch.
Được biết năm 2021, liên tiếp từ tháng 6 – 9, bãi biển xã Nhơn Hải có 5 lượt rùa biển lên bờ đẻ tổng cộng 476 quả trứng. Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã tham gia bảo vệ. Kết quả có 3/5 ổ trứng đã nở thành công với tỉ lệ nở đạt 54% với 150 cá thể rùa con về biển an toàn.
Sau cơn mưa, rùa biển lên bờ và bắt đầu đẻ trứng tại bãi biển
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, sau gần 3 năm ( kể từ năm 2021), rùa biển quay lại đẻ trứng tại bãi biển trước khu dân cư xã Nhơn Hải, bà con nhân dân ở địa phương vô cùng phấn khởi. Để bảo tồn bãi đẻ rùa biển, hiện nay UBND xã đang duy trì công tác bảo vệ rùa khi rùa lên sinh sản ở bãi biển của xã, tiếp tục khoanh vùng bảo vệ nghiệm ngặt khu vực biển Hòn Khô Nhỏ với diện tích 12,043 ha. Đồng thời trong thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phát hiện rùa lên bãi thì báo cáo kịp thời cho chính quyền và Tổ chức cộng đồng để bảo vệ rùa đẻ. Bên cạnh đó chúng tôi chỉ đạo giữ gìn nghiêm ngoặc khi vực ấp trứng để bảo vệ cho ổ trứng đến lúc nở thành công.
Hiện nay, đề án phát triển du lịch cộng đồng xã Nhơn Hải đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3.2024. Tham quan bãi đẻ rùa biển là một trong những loại hình du lịch sinh thái biển được tỉnh quan tâm định hướng phát triển và đã đưa vào nhiệm vụ quy hoạch khu vực bảo tồn bãi đẻ rùa biển gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã.
Các chú rùa biển con sau khi được ấp nở sẽ trở lại với môi trường biển tự nhiên
Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, chuyên gia bảo tồn rùa biển của IUCN cho biết một đặc điểm thú vị của loài rùa biển là, rùa cái trưởng thành và thành thục sinh sản bơi hơn 600 dặm quay trở lại đúng nơi chúng từng được sinh ra và thả về biển để đẻ trứng sau khoảng 20 – 30 năm. “Sau đó rùa mẹ sẽ kiếm ăn ở khu vực gần bờ chủ yếu ở khu vực rạn san hô để quay lại bãi biển để đẻ theo chu kỳ sinh sản 3-5 năm. Và mỗi mùa sinh sản sẽ đẻ từ 2 đến 5 lần. Khả năng bạn rùa kể trên có thể quay lại đẻ lần 2 hoặc 3-4-5 nữa, vì vậy các thành viên Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Hải cần tiếp tục theo dõi và nên gắn thẻ cho rùa mẹ khi lên bãi đẻ trứng để thuận tiện theo dõi và bảo vệ rùa mẹ trong mùa sinh sản. Hiện nay mới chỉ tháng 5, mùa sinh sản của rùa biển sẽ kéo dài đến tháng 9,10”.
Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương, thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng đã được lan tỏa tích cực trong cộng đồng tại Bình Định.
Ái Trinh
Nguồn: Tép Bạc