Tiếng lòng của ngư dân, doanh nghiệp

0

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tại khối thị trường EU, Israel, Italy, Hà Lan và Đức đã giảm lần lượt 14%, 31%, 18%, 46% và 19% (số liệu tháng 7/2024). Trong khi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thiếu hụt nguồn nguyên liệu thì ngư dân lại gặp khó khi vươn khơi khai thác.

Khó càng thêm khó

Ngày 22/8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi để phát triển bền vững ngành hải sản khai thác Việt Nam”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã bàn luận sôi nổi về những vấn đề liên quan đến Nghị định 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó điển hình là loài cá ngừ vằn.

Tình trạng thiếu nguyên liệu là khó khăn lớn nhất đối với ngành chế biến xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Nguồn nguyên liệu từ khai thác rất hạn chế, do phần lớn tàu thuyền của nước ta có quy mô nhỏ và thô sơ, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp. Thêm vào đó, quy định mới về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên đang khiến cho sản lượng sụt giảm.

Đại diện cho ngư dân phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Thanh Ninh (67 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết, nghề đi biển ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là từ khi có quy định về kích cỡ tối thiểu cá ngừ đánh bắt.

“Từ quá trình khai thác chúng tôi nhận thấy, cá ngừ sọc dưa từ 300 g – 1 kg chiếm 80% và từ 1 kg trở lên chỉ chiếm 20%. Đặc biệt, cá ngừ sọc dưa là loài cá nổi và được đánh bắt theo mùa vụ từ tháng 7 – tháng 1 năm sau, sản lượng cá nhỏ chiếm 80 – 90%. Từ tháng 2 – tháng 6, sản lượng cá ngừ sọc dưa giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 5%. Vì vậy, để ngư dân áp dụng quy định trên là rất khó”, lão ngư dân trăn trở.

Theo ông Ninh, hơn 2 tháng nay, cá ngừ được đánh bắt về cảng không được thu mua, trong khi từ tháng 7 – tháng 9 hàng năm là mùa khai thác cá ngừ. Các tàu cá ra khơi đánh bắt không đủ chi phí, nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động nếu cơ quan quản lý vẫn tiếp tục áp dụng quy định này.

“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT điều chỉnh kịp thời quy định về kích thước khai thác các loài thủy sản, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn nghề cá ở Việt Nam, cũng như phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế”, ông Ninh nhấn mạnh.

Về phần mình, tại Công văn 54/CV-VASEP, VASEP đánh giá Nghị định 37/2024/NĐ-CP đối với một số loài thủy sản khai thác là không phù hợp. Điển hình như cá ngừ vằn, quy định nêu rõ chiều dài tối thiểu cho phép khai thác là 0,5 m, song kích thước này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ từ 5 – 8% trong mỗi lô cá khai thác được. Trên thực tế, cá ngừ vằn chiều dài 0,5 m tương đương kích cỡ từ 5 – 7 kg, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài này là từ 1,8 – 3,4 kg.

Ngoài ra, trong văn bản (EU) 2019/1241 về bảo tồn của châu Âu cũng không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn. Kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó. EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như: Quy định về hạn ngạch, thời gian cấm biển, nghề khai thác, FAD… chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.

Viện dẫn một ví dụ thực tế, VASEP cho biết, các tàu cá của Tây Ban Nha đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp C/C. Tổ chức WCPFC cũng không có quy định kích thước tối thiểu một số loài cá ngừ, trong đó có cá ngừ vằn.

Quy định phải gắn với thực tiễn

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch VASEP cho rằng, để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cần có sự chuẩn bị đồng bộ về trang thiết bị như lưới đánh bắt và phải có thời gian để ngư dân thích nghi. Việc ban hành và áp dụng ngay một quy định mới có thể gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hiệu quả kinh tế xã hội, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Theo quy định này, ngư dân bắt buộc phải đầu tư chi phí để thay đổi ngư cụ có kích thước mắt lưới mới phù hợp, cho đến việc ghi chép, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được.

“Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều tàu cá vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ vì vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Do đó, đang gây thiếu hụt lớn nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong trường hợp quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ sọc dưa, VASEP và ngư dân cảm thấy rằng quy định này chưa thực sự hợp lý. Cần có thêm thời gian và quá trình để xã hội tiếp cận, đồng thời các quy định này cần được điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với thực tiễn tại nước ta”, Chủ tịch VASEP nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty CP Thủy sản Bình Định chia sẻ rằng, thời gian qua, quy định về kích thước khai thác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác cá ngừ vằn, đặc biệt là tại khu vực các tỉnh miền Trung. Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp cá ngừ cũng gặp khó khăn trong việc thu mua và tích trữ cá ngừ vằn để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm. Ngư dân và doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng bế tắc, khi hàng tồn kho không thể là giải pháp lâu dài.

Nghị định 37/2024/NĐ-CP đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của một ngành nghề vốn gắn liền với bao thế hệ ngư dân. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý, cả ngư dân và doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản không đồng nghĩa với việc hy sinh sinh kế của người dân. Chính sách cần được xây dựng dựa trên thực tiễn, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, vừa duy trì cuộc sống và hy vọng của những ngư dân ngày đêm gắn bó với biển.

Oanh Thảo

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.