Tiền Giang: Thực hiện tốt tuyên truyền chống IUU

0

Thời gian qua, việc chú trọng các giải pháp tuyên truyền đã giúp nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

100% tàu cá lắp đặt VMS

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, tổng số tàu cá của tỉnh là 1.274 chiếc/405.310 kW, với 9.136 thuyền viên hoạt động trực tiếp trên tàu. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất là nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng; Ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển Đông Nam Bộ, Trường Sa, DK1. Sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 37.016 tấn, tăng 1% ( tăng 349 tấn) so cùng kỳ.

Tiền Giang có 2 Cảng cá loại II có đủ hệ thống xác nhận nguyên liệu, đáp ứng 100% so với nhu cầu thực tế: Cảng cá Mỹ Tho, diện tích 20.109,3 m2, có thể tiếp nhận hàng thủy, hải sản qua cảng khoảng 45.000 tấn/năm; Cảng cá Vàm Láng, diện tích 40.000 m2, có thể tiếp nhận hàng thủy, hải sản qua cảng khoảng 40.000 tấn/năm. Ngoài ra, có 1 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh.

Tiền Giang IUU

Lực lượng chức năng đến từng tàu cá để tuyên truyền chống khai thác IUU. Ảnh: Thuận Văn

Tính đến hết tháng 5/2024, tổng số tàu cá đăng ký là 1.274/1.274 chiếc, đạt tỷ lệ 100%; số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn là 1.070 giấy/1.274 tàu, đạt tỷ lệ 84,0%; tổng số tàu cá từ 12 m trở lên đăng kiểm còn hạn là 843 lượt/1.232 tàu, đạt tỷ lệ 68,4%, tất cả tàu cá được đăng kiểm đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá đúng theo quy định.

Số tàu cá đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá là 937/937 chiếc, đạt tỷ lệ 100%. Số tàu còn lại chưa lắp đặt VMS là 67 tàu do bị chìm, cháy, mục nát nhưng chưa xóa đăng ký do thế chấp ngân hàng; tàu chuyển tỉnh chưa sang tên và tàu đang neo đậu tại bến nhà, đậu bờ, chờ bán, sửa chữa, ngưng hoạt động. Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi và tuyên truyền, vận động ngư dân phải lắp đặt thiết bị VMS trước khi đưa tàu vào hoạt động.

Xây dựng chương trình truyền thông

Từ khi Luật thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Tiền Giang cùng với cả nước tập trung quyết liệt trong công tác tuyên truyền. Địa phương xây dựng chương trình truyền thông chống IUU theo Chỉ thị số 45/CT-TTg cũng như tích cực phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT triển khai tốt Luật Thủy sản năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản.

5 tháng đầu năm 2024, Sở NN&PTNT Tiền Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho gần 250 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, tàu thu mua thủy sản trên biển…, phát 600 tài liệu tuyên truyền, tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân.

 “Nhờ công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng về thủ tục xuất nhập bến, khu vực ranh giới biển nên trong quá trình đánh bắt trên biển, tôi cùng các ngư dân khác luôn tuân thủ quy định của nhà nước cũng như quy định về chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển của nước ngoài. Khi tàu hoạt động, chúng tôi luôn mở máy giám sát hành trình 24/24 để cơ quan chức năng giám sát”, ngư dân Diệp Hoàng Minh, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông chia sẻ.

Xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác IUU, trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung triển khai tốt các giải pháp để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT…; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông tuyên truyền, phổ biến cho tất cả các đối tượng là tổ chức, cá nhân nắm rõ phạm vi vùng biển Việt Nam, kể cả các vùng biển chồng lấn chưa phân định được.

“Nhờ có sự tập trung của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản của ngư dân ngày một nâng lên”, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết.

Lê Loan

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.