Ngành thủy sản toàn cầu đã bước qua một năm 2023 đầy sóng gió với những ngày tháng thất thần vì giá tôm chạm đáy; những lo lắng không nguôi về sự hao hụt nghiêm trọng lượng bột cá, dầu cá; hay những trăn trở thiết lập điểm uốn trong biểu đồ giá xuất khẩu, nhập khẩu. Từ người nuôi, người bán, thương nhân nhỏ lẻ tới tập đoàn lớn mạnh…. đều nặng trĩu những cung bậc cảm xúc của một năm đầy biến động.
Ngành tôm vật lộn với lợi nhuận
Dường như câu chuyện về ngành tôm thế giới năm vừa qua bắt đầu từ tháng 12/2022, sau một mùa “bội thu” xuất khẩu tôm (89.500 tấn) đã đưa Ecuador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cán mốc xuất khẩu hơn 1 triệu tấn tôm trong cả năm (2022). Và hơn thế nữa là giấc mơ tiếp tục đưa 1,5 triệu tấn tôm ra thế giới vào năm 2023 đã khiến người nuôi tôm, các cơ sở sản xuất tôm, các công ty chế biến tôm tại Ecuador đắm chìm vào sản xuất. Thật đúng với câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, sau 25 năm sản xuất tôm bị tàn phá bởi bệnh đốm trắng, Ecuador đã trỗi dậy thành công, trở thành một gương điển hình xuất sắc trong công cuộc sản xuất tôm, khiến cả thế giới phải ngước nhìn và ngưỡng mộ.
Thị trường Mỹ cuối năm mang tới tín hiệu đáng mừng cho ngành tôm toàn cầu. Nguồn: Undercurrentnews
Thế nhưng, không ai biết trước, chính sự “đam mê cháy bỏng” đó, Ecuador đã vô tình “khơi mào” đẩy thế giới vào một tình huống ít ai ngờ tới: dư cung quá mức. Không biết có phải chạy theo Ecuador không mà trong năm 2023, nhìn lại thế giới, ai cũng có thể thấy nhà nhà sản xuất tôm, người người sản xuất tôm, hết “nâng cấp” ao nuôi truyền thống, người ta lại ứng dụng đủ máy móc, trí tuệ nhân tạo vào các trại tôm hiện đại.
Chuyện sẽ chẳng có gì, thế giới sẽ vô cùng hoan hỉ trước những thành tựu đạt được trong ngành tôm nếu như lạm phát không xảy ra. Quả thực, cuộc khủng hoảng kinh tế đã giáng một đòn mạnh khiến ngành tôm toàn cầu điêu đứng. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tôm sản xuất thì nhiều, bán ra thì ít, đủ các chi phí đội lên khiến doanh nghiệp nặng gánh. Mỹ giảm nhập khẩu tôm 13 tháng liên tiếp. Trung Quốc tồn kho chất đống không giải phóng được. Giá tôm khắp toàn cầu xuống thấp trầm trọng. Tháng 8/2023, giá tôm Ecuador xuất khẩu chỉ đạt 4,96 USD/kg, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm thấp nhất kể từ năm 2010. Các nước xuất khẩu đều trông chờ những ngày lễ lớn như Trung Thu, Tết Độc lập, Mùa chay, Lễ Giáng sinh…để kích cầu.
Các chuyên gia phân tích của Rabobank nhấn mạnh 2024 sẽ là một năm cần thiết cho việc cân bằng lại thị trường ngành tôm, để đưa giá bán về điểm có lợi cho người nuôi. Với tình huống này, các chuyên gia cho rằng chỉ có hai lựa chọn: giảm nuôi hoặc tăng cầu. Một số dự báo cũng được Rabobank đưa ra, cho rằng: “Ngành tôm sẽ tái cân bằng thị trường sao cho vẫn phù hợp với tình trạng dư cung và mức giá bán thấp như hiện tại, bằng cách giảm tốc độ sản xuất từ 0% – 3% trong năm 2024. Theo đó, tốc độ sản xuất như vũ bão của Ecuador được kỳ vọng sẽ “hãm phanh” về mức tăng trưởng 5% trong năm 2024, giảm đáng kể so với tốc độ tăng 12% ở năm 2023″.
Càng gần cuối năm, tín hiệu đáng mừng khiến cả thế giới có niềm tin hơn vào tương lai ngành tôm, đó là thị trường Mỹ tăng nhập khẩu tôm 4 tháng liên tiếp với “tứ trụ” nguồn cung – Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, và Việt Nam. Tháng 10/2023, Mỹ nhập khẩu 76.369 tấn tôm, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thiếu hụt bột cá – đẩy giá thức ăn
Là quốc gia chế biến và xuất khẩu bột cá chủ lực của thế giới, nhưng tháng 6/2023, Bộ trưởng sản xuất Peru, ông Raúl Pérez Reyes, đã quyết định dừng khai thác cá cơm (mùa 1) tại vùng Trung bắc nhằm đảm bảo sinh khối cá con và hạn ngạch tạm thời của sản lượng đánh bắt vùng này là 1,091 triệu tấn (thấp hơn 2,79 triệu tấn so với năm 2022). Sự việc đã khiến cả thế giới hoang mang. Giá bột cá cũng theo đó mà tăng chóng mặt. Tại Trung Quốc, giá bột cá Peru loại thượng hạng chạm mức kỷ lục 2.488,39 USD/tấn ngay ở tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022, và còn tiếp tục tăng ở những tuần sau đó. Chính sự kiện này đã đẩy giá thức ăn thủy sản lên cao, khiến chi phí đầu vào bị đội lên rất nhiều. Người nuôi cũng theo đó phải chịu hòa vốn hoặc thua lỗ.
Các nhà nghiên cứu tìm ra nhiều thành phần thay thế bột cá. Ảnh: Shutterstock
Chi phí thức ăn hiện đang là vấn đề khiến người nuôi thủy sản đau đầu, bởi nó chiếm 50 – 60% tổng chi phí đầu vào. Để hỗ trợ người nuôi cũng như thích nghi với bối cảnh hiện tại, các nhà sản xuất thức ăn thủy sản đang nghiên cứu và tính toán lại những thành phần thay thế và bổ sung. Người ta lật lại những thí nghiệm chiết xuất protein từ côn trùng như ruồi lính đen, tằm, dế, gián, hay những nghiên cứu từ cách đây cả nửa thế kỷ nhằm tách chiết đạm đơn bào (SCP) từ sinh khối khô của tế bào hoặc từ môi trường nuôi cấy vi sinh vật. Theo ông Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích thủy sản của Rabobank, bức tranh thức ăn thủy sản toàn cầu sẽ thay đổi; các nhà sản xuất protein thay thế sẽ có sự nghiệp kinh doanh thậm chí lớn mạnh hơn những công ty gọi vốn xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản trên cạn.
Cá hồi vững bước tương lai
Các chuyên gia của Kontali cho rằng mặc dù dưới áp lực của lạm phát và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, nhưng cá hồi Đại Tây Dương vẫn tiếp tục duy trì được lợi thế cạnh tranh so với các mặt hàng hải sản khác trong năm 2024. Các chuyên gia thuộc công ty dữ liệu và tư vấn thủy sản Kontali Analyse (Na Uy) dự đoán mặc dù lạm phát kinh tế vẫn là áp lực lớn, song song với hàng loạt thách thức khi xu hướng tiêu dùng thay đổi không ngừng, nhưng giá thị trường của cá hồi Đại Tây Dương và sự ưu ái của khách hàng dành cho sản phẩm giàu protein này vẫn không thay đổi.
Ông Lars Daniel Garshol, chuyên gia phân tích ngành cá hồi tại Kontali, cho biết “Tuy không thể đưa ra viễn cảnh chính xác về sản lượng nuôi trồng hoặc đánh bắt cá hồi, nhưng chúng tôi có thể dự đoán sự tăng trưởng về doanh số các sản phẩm cá hồi trong năm 2024. Xét về các chiến lược bán lẻ và sức cạnh tranh thì cá hồi vẫn “ăn đứt” các mặt hàng thủy sản khác”.
Cá hồi vẫn dành được sự ưu ái của người tiêu dùng toàn cầu. Nguồn: Shutterstock
Ông Garshol cũng cho biết trong tương lai gần, người tiêu dùng sẽ chuyển sang ưa chuộng cá hồi cỡ lớn (từ 5kg trở lên), cùng với đó doanh số hai mặt hàng sushi và sashimi sẽ tiếp tục tăng. “Mặc dù ý thức hệ về Covid-19 vẫn rất cao, nhưng xu hướng ẩm thực Nhật Bản vẫn không bị mai một, minh chứng là các nhà hàng Nhật Bản ngày càng được mở rộng trên khắp thế giới, cho thấy sự tăng trưởng chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Garshol nói. Ngoài ra, sau một thời gian dài đóng cửa nền kinh tế vì chính sách zero-Covid, người dân ở Trung Quốc và Hongkong sẽ có xu hướng tăng tiêu dùng để bù cho những ngày tháng bị “hạn chế”.
Quả thực vậy, nhập khẩu cá hồi Đại Tây Dương vào Trung Quốc gia tăng trở lại ở mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 77.500 tấn cá hồi Đại Tây Dương, 50% trong số đó có nguồn gốc từ Na Uy. Không những thế, dữ liệu nửa cuối năm 2023 cho thấy Trung Quốc nhập khẩu cá hồi từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, bởi các đơn hàng chủ yếu là cá hồi cỡ lớn. Ngoài ra, Kontali cho biết năm 2023 cá hồi cỡ lớn cũng được tiêu dùng khá nhiều tại các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, châu Á, châu Âu và Mỹ. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường của cá hồi cỡ lớn trong năm 2024 là rất cao.
Theo dự đoán của Kontali, ngành cá hồi toàn cầu sẽ gia tăng sản xuất trong năm 2024, trong đó Na Uy giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, nguồn cung tăng không có nghĩa giá cá hồi sẽ phần nào hạ nhiệt, mà ngược lại giá sẽ tiếp tục tăng để khẳng định kỷ nguyên lợi nhuận cao của ngành cá hồi như nó vốn vậy trong vài năm trở lại đây. Khoảng 3 năm tới, sức tăng của ngành cá hồi sẽ ổn định trong khoảng 2% – 4%. Theo Rabobank, sản lượng cá hồi toàn cầu sẽ đạt mức tăng kỷ lục với 3 triệu tấn trong năm 2024, trong đó Na Uy tiếp tục đóng vai trò “anh cả” trong ngành với mức tăng trưởng 4% – 5%.
An Vy
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn