Sự trở lại của ông Trump sẽ thay đổi sâu rộng thị trường hàng hóa nông sản toàn cầu qua hướng tiếp cận tập trung vào chính sách thương mại và thuế quan để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu.
Tại hội nghị về thương mại nông sản Agri-Food Americas ở Chicago tháng 10/2024, Alex Kazan, lãnh đạo Tập đoàn Brunswick cho rằng, thị trường nông nghiệp toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh mẽ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Các chính sách thương mại mới, đặc biệt chính sách liên quan đến chương trình pháp lý và tiêu chuẩn môi trường, sẽ được ký kết và có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Chính sách nông nghiệp và thương mại
Theo Reuters, ông Trump đã đề xuất thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ; riêng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế 60%. Tổ chức nghiên cứu chính sách thuế của Mỹ, Tax Foundation cho biết, những đề xuất của Trump có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn cùng với khả năng cắt giảm GDP và việc làm.
Năm 2018, chính sách thuế nói trên đã tác động đến nhiều loại hàng hóa, từ đồ điện tử đến hàng nông sản như đậu nành. Theo Espana, tổ chức báo cáo thị trường Mỹ, chính sách thuế năm 2018 đã khiến xuất khẩu các loại hạt của Mỹ sụt giảm mạnh do vướng phải thuế “trả đũa” từ phía Trung Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) năm 2022, thiệt hại từ thuế trả đũa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc ước tính 13,2 tỷ USD. Trong đó, các hãng sản xuất đậu nành, lúa miến và thịt heo chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo AP News, vào thời điểm đó, Trump đã chỉ đạo USDA hỗ trợ tài chính cho ngư dân khai thác tôm hùm để bù đắp những tổn hại do chính sách thuế trả đũa của Trung Quốc gây ra.
Espana cho biết, chính quyền Biden duy trì hầu hết các mức thuế quan theo chính sách mà Trump thực hiện từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc. Thuế quan từ cuộc chiến tranh thương mại dưới thời ông Biden đạt 144,3 tỷ USD tính đến tháng 3/2024, cao hơn so với con số 89,1 tỷ USD thời ông Trump.
Lãnh đạo mới tại các phòng ban chủ chốt
Sau khi tái đắc cử, ông Trump sẽ bổ nhiệm những vị trí mới trong các văn phòng liên bang. Quyết định này sẽ tác động đến chính sách nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng không ít đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Sonny Perdue lãnh đạo USDA đã phát triển Chương trình trợ giúp thị trường (MFP) để bù đắp tổn thất do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc gây ra. Năm 2019, Trump đã ủy quyền cho USDA rót trực tiếp 14,5 tỷ USD qua MFP để hỗ trợ các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. USDA cũng hủy bỏ quy tắc về nguồn nước của Mỹ (WOTUS) và thắt chặt các yêu cầu của Chương trình hỗ trợ thực phẩm (SNAP).
Hiện, Trump đã xác nhận ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. sẽ đại diện trong các cuộc họp sắp tới với cơ quan USDA, FDA, EPA và CDC. Trước đó, ông RFK Jr. từng lên tiếng phản đối các mặt hàng rẻ tiền và không tốt cho sức khỏe như dầu hạt; các hóa chất như atrazine và glyphosate.
Lạm phát
Dữ liệu từ báo cáo CPI của Cục thống kê lao động Mỹ chỉ ra giá của các mặt hàng trứng, thịt, trái cây…tại Mỹ đều tăng ít nhất 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trump tiếp tục đường lối tập trung vào chính sách thương mại thông qua công cụ thuế quan. Bằng cách áp thuế đối với một số hàng hóa nhất định, Trump đặt mục tiêu giảm phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Chiến lược này có thể gây ra biến động giá ngắn hạn khi chuỗi cung ứng điều chỉnh, nhưng có tác dụng ổn định giá lâu dài bằng cách thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế, đặc biệt là hàng hóa quan trọng.
Địa chính trị
Theo Kazan, địa chính trị có thể tác động mạnh mẽ đến giá cả hàng hóa nông nghiệp, thương mại, và an ninh lương thực như chúng ta đã thấy sau cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Khi ông Trump quay lại Nhà Trắng, thị trường hàng hóa nông nghiệp phải đối mặt sự bất ổn mới, đặc biệt nếu hàng hóa đó liên quan đến quan hệ của Mỹ với các đối tác thương mại toàn cầu và sự tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế quan trọng.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trở thành tâm điểm trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp toàn cầu bởi Trung Quốc là thị trường tiêu dùng hàng đầu của nhiều sản phẩm. Phía Trung Quốc cũng thực hiện nhiều chính sách nhằm giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu sau tranh chấp với Mỹ, ví dụ mở cửa cho thịt heo của Brazil.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã thay đổi thị trường nông sản châu Âu bởi Ukraine cung cấp một khối lượng lớn lúa mì, dầu hướng dương và ngô. Trong. nhiệm kỳ trước, Trump có lập trường phức tạp về quan hệ với Nga; sự quay lại cương vị tổng thống lần này của ông báo hiệu sự thay đổi của Mỹ về hành động can thiệp vào khu vực, trong đó có Ukraine, kéo theo biến động trên thị trường ngũ cốc toàn cầu.
Trump sẽ nhận chức vào ngày 20/1 nhưng thị trường nông sản toàn cầu đã biến động ngay sau bầu cử. Cụ thể, chỉ số đồng USD nhảy vọt; giá vàng giảm, lợi suất trái phiếu tăng trong khi giá dầu, khí đốt, và hàng nông sản tăng.
Dũng Nguyên – Theo Fisnews
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn