Chiều 8/7/2024, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có hơn 100 đại biểu đến từ 70 cơ quan trong nước và quốc tế, hơn 20 tỉnh thành trên cả nước và hàng trăm đầu cầu trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội chiều 8/7
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Nhất là khi hiện nay, biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh,…khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, hướng đến ngành nông nghiệp bền vững”
Đồng chủ trì sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết quốc tế đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ghi nhận lợi ích của nông nghiệp tuần hoàn vì mục tiêu khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. UNDP tự hào đã thử nghiệm thành công hộp công cụ Kinh tế tuần hoàn – NDC, có thể giúp Việt Nam xác định, ưu tiên, thực hiện và theo dõi các biện pháp can thiệp tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần thực hiện NDC 2025. Công cụ này có ý nghĩa đặc biệt với ngành nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu
Một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được đánh giá cao như mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mô hình nông – lâm kết hợp… Trong đó, nuôi trồng thuỷ sản đã chú trọng phát triển các vùng, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh), công nghệ thân thiện với môi trường. Vùng ĐBSCL đã áp dụng mô hình lúa – tôm, lúa – cá khá thành công đảm bảo hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc đưa phụ phẩm thủy sản trở thành nguyên liệu cho sản phẩm mới cũng giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia tăng hiệu quả kinh tế.
Được biết, ngành thủy sản phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Để thực hiện các mục tiêu đó, các chuyên gia cho rằng cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường; Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; Điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất, xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động thủy sản thân thiện với môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh,…
Cũng tại Hội nghị lần này, các đại biểu đã cùng nhau nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu NET ZERO của quốc gia. “Thông qua Hội nghị, tôi kêu gọi các bên tăng cường hợp tác để xây dựng và thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, thúc đẩy chia sẻ và hợp tác kiến thức; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tận dụng khoa học công nghệ, triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng…”, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ.
Thùy Khánh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn