“Thủ phủ” ba ba lao đao

0

Giá ba ba giảm mạnh chưa từng có trong vài năm gần đây, nhiều người nuôi ở xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) quyết định “treo ao”, chấp nhận cầm cự để chờ tình hình khá hơn mới tiếp tục thả nuôi trở lại.

“Treo ao” cầm cự

Xã Mỹ Phước từng được biết đến là “thủ phủ” của mô hình nuôi ba ba ở tỉnh, với quá trình phát triển hàng chục năm. Cũng nhờ vật nuôi này giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả. Thời điểm giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ sôi động, nên mô hình nuôi ba ba ngày càng phát triển ở các ấp thuộc xã Mỹ Phước như Phước Thọ A, Phước Thọ B, Phước Thọ C. Theo thống kê của chính quyền xã, toàn xã hiện có 90 gia đình nuôi ba ba, quy mô trung bình 500m2 mỗi hộ. Tuy nhiên, khi giá ba ba giảm sâu từ năm 2022, vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nên toàn Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B có đến 50% số hộ giảm diện tích nuôi. Ngoài ra, các hộ này còn khoảng 18.000 con ba ba thương phẩm chưa tiêu thụ được.

ao baba

Chị Kiều quyết định “treo” 1 ao để cầm cự chờ tình hình khá hơn mới tiếp tục thả nuôi trở lại.

Theo nhiều hộ dân theo nghề nuôi ba ba tại địa phương, ngoài tình trạng giá ba ba sụt giảm kéo dài gần 2 năm nay, lượng tiêu thụ cũng chậm hơn trước ở cả ba ba giống và thương phẩm. Rầu rĩ vì giá ba ba giảm sâu chưa từng có, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (37 tuổi), Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây chưa bao giờ thấy giá ba ba thương phẩm thấp như vậy. Trước năm 2022, loài này luôn ở mức cao, giá 300.000-330.000 đồng/kg (loại 1 từ 1,5-2 kg/con) có  lúc hút hàng có thể lên đến 370.000 đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá ba ba liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn khoảng 165.000 đồng/kg (loại 1). Giá ba ba giống từ 2.700 đồng/con, giờ giảm chỉ còn khoảng 1.300 đồng/con. “Trước đây, gia đình luôn giữ quy mô 2 ao nuôi 3.000 cá thể, với tổng diện tích khoảng 300m2. Tình trạng này buộc tôi phải treo 1 ao, hiện chỉ còn lại 1 ao cầm cự với 1.500 cá thể trọng lượng 100-200 gram mỗi con”, chị Diễm thở dài.

Trong lúc giá cả xuống thấp, nông dân càng trữ lại càng lỗ tiền thức ăn. Nhiều hộ phải tận dụng thêm cá tạp, ốc tại nhà hoặc nấu cháo cho vật nuôi ăn cầm cự. Anh Nguyễn Yến Thanh (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Phước) cho biết, anh vừa đào thêm 2 ao nuôi dùng ương dưỡng ba ba con, chờ giá tốt hơn để bán. Hiện 5 ao nuôi của gia đình đang còn trên 5.000 con ba ba nhỏ và khoảng 4.000 con thương phẩm. Theo tính toán, chi phí thức ăn lên đến 500.000 đồng/ngày. Với tình trạng này, gia đình anh không thể cầm cự được trong thời gian dài, buộc phải bán cắt lỗ.

Do lượng tiêu thụ giảm

Hiện việc tiêu thụ ba ba tại địa phương phụ thuộc vào một vài thương lái quen thuộc ở ngoài tỉnh đến mua. Điều này trở thành điểm bất lợi đối với những hộ nuôi ba ba khi vào cao điểm thu hoạch sản phẩm. Trong khi theo các thương lái thu mua, giá ba ba giảm do lượng tiêu thụ của khách hàng giảm. Người dân có xu hướng giảm mua ba ba loại lớn.

Để tìm hướng đi mới cho đầu ra sản phẩm, một số hộ dân chọn đa dạng cách tiếp cận khách hàng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, bán trên mạng xã hội. Riêng tại xã Mỹ Phước, trước những khó khăn của hộ nuôi, Hội LHPN xã đã tạo điều kiện, hỗ trợ bà con tiếp cận vay vốn để duy trì sản xuất. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có trên 30.000 cá thể ba ba thương phẩm thông thường. Trong đó, huyện Mỹ Tú là vùng nuôi tập trung với gần 200 hộ, nhiều nhất ở xã Mỹ Phước. Ngành chuyên môn của huyện đang theo dõi, quản lý quy mô, sản lượng nuôi của bà con, tránh tình trạng mở rộng ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết: “Về lâu dài, để tạo đầu ra ổn định cho hộ nuôi ba ba, địa phương khuyến khích, vận động các hộ nuôi liên kết trong các tổ hợp tác, tổ nhóm sản xuất nhằm tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng ba ba thương phẩm để thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ”.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Nguồn: Báo Cần Thơ

Leave A Reply

Your email address will not be published.