Từ ngày 27/4 – 2/5 vừa qua, đã có hơn 10 tấn cá lồng của 114 hộ nuôi thuộc 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) bị chết hàng loạt.
Qua lấy mẫu cá chết, bước đầu cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân cá chết không phải do bị bệnh. Hiện tại, các khu vực này không ghi nhận tình trạng cá chết hàng loạt như những ngày trước đó. Ước tính số lượng cá chết đã lên đến hơn 10 tấn, thiệt hại đối với các hộ dân nuôi là rất lớn.
Ngay sau khi nắm được thông tin, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa gồm Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ Môi trường đã có mặt tại hiện trường để lấy mẫu nước, mẫu cá để làm rõ nguyên nhân. Bước đầu, cơ quan chuyên môn khẳng định, cá chết không phải do bị bệnh. Ngoài ra, qua test nhanh mẫu nước, cơ quan chuyên môn nhận thấy hàm lượng DO (tức là lượng ôxy hòa tan trong nước) thấp, khiến cho cá bị thiếu ôxy.
Người nuôi cá lồng huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) bị thiệt hại nặng do cá chết hàng loạt. Ảnh: Quách Du
Trước đó, từ ngày 19/3, trên sông Mã (đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện nhiều đợt cá lồng, bè của người dân nuôi bị chết bất thường. Đặc biệt, vào tối 26/4 và sáng 27/4, lượng cá chết rất nhiều. Ban đầu là các loại cá da trơn, tiếp đó là cá trắm và sau đó là các loại cá tự nhiên. Để hạn chế tình trạng cá chết, người dân đã sử dụng bình ắc quy, máy sục ôxy để cứu cá hoặc di chuyển cá đến nơi khác, tuy nhiên biện pháp này không mấy khả quan và cá vẫn tiếp tục chết.
Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường nước và tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, để giảm thiệt hại cho người nuôi, Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước đề nghị chủ tịch UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân nuôi cá lồng tăng cường ôxy bằng các biện pháp như đảo nước, bơm nước, bơm sục khí tạo ôxy. Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh lồng bè sạch sẽ, giảm vật bám, chất bẩn để lồng nuôi thông thoáng nhằm tăng cường ôxy hòa tan trong nước. Nếu người nuôi phát hiện màu nước thay đổi bất thường như chuyển sang xanh đậm, có váng cám nổi trên mặt nước, nên khẩn trương di chuyển lồng nuôi sang khu vực nước sạch và tăng cường sục khí.
Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ nuôi cá xác định chính xác khẩu phần thức ăn, chọn thức ăn cho cá phù hợp theo từng giai đoạn, chú ý thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng, tránh tình trạng để dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường; chọn kích cỡ viên thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển. Nếu người nuôi thấy các dấu hiệu bất thường hoặc cá bị chết cần liên hệ sớm với cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời.
Hiện, UBND huyện Bá Thước vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa để xác định chính xác nguyên nhân cá chết trên sông Mã.
Thùy Khánh (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn