Thanh Hóa: Hậu Lộc phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững

0

Thiên nhiên ưu đãi cho huyện Hậu Lộc bờ biển dài 12,4km, nguồn lợi thủy sản khá phong phú và đa dạng, với 2 cửa lạch: Lạch Sung và Lạch Trường. Hậu Lộc có lợi thế cả về nuôi nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Các năm vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả. Một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi VietGAP bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi.

Tàu vào Cảng cá Hòa Lộc trao đổi hàng hóa.

Tàu vào Cảng cá Hòa Lộc trao đổi hàng hóa.

Các năm vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như quy hoạch tổng thể ngành nông – lâm – thủy sản trên địa bàn chi tiết đến từng xã, từng vùng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cơ sở. Cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện Hậu Lộc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao; triển khai sâu rộng Luật Thủy sản 2017 đến chính quyền và người dân; kiểm soát tốt tàu thuyền khai thác hải sản…

Đối với khai thác, đến tháng 7/2024, huyện Hậu Lộc có 564 tàu cá, trong đó có 206 phương tiện khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Toàn bộ 100% tàu cá xa bờ hoạt động trên biển đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (206/206 tàu). Duy trì hoạt động của 133 tổ đoàn kết trên biển nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác thủy sản. Hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá như đóng sửa tàu thuyền, cung cấp dịch vụ hàng hóa qua Cảng cá Hòa Lộc tiếp tục được quan tâm đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ hàng hóa của ngư dân. Huyện Hậu Lộc tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản ở các địa phương, cơ cấu lại nghề nghiệp phù hợp với vùng biển, tuyến biển và hạn ngạch khai thác hải sản được cấp nhằm khai thác hợp lý, bền vững. Thực hiện quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và quy định của Luật Thủy sản 2017. Tăng cường thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ hàng hóa… Quản lý hoạt động khai thác nhằm mục tiêu khai thác bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, toàn huyện có gần 4.000 lao động tham gia khai thác thủy sản trên biển. Thu nhập lao động nghề cá tương đối ổn định. Nhiều tàu cá tham gia khai thác xa bờ, cho hiệu quả kinh tế khá cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Lĩnh vực nuôi trồng, huyện đã thả nuôi 1.855ha thủy sản vụ xuân – hè năm 2024. Các tháng đầu năm 2024, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hậu Lộc tập trung tích tụ đất phát triển sản xuất thủy sản theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao với diện tích 40ha. Dịch chuyển 20ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh sang quảng canh cải tiến; đưa một số mô hình từ quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, nhà màng tại một số xã. Kêu gọi đơn vị, cá nhân đầu tư vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích trên 300ha tại 2 xã Đa Lộc, Xuân Lộc… Các xã vùng ven biển đã tuyên truyền cho người dân nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, quan tâm phát triển đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng. Chuyển hàng trăm ha đất trồng lúa sâu trũng và đất sản xuất muối kém hiệu quả, vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất theo mô hình trang trại. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Hậu Lộc ước đạt 25.120 tấn, đạt 50,02% so với kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác 17.610 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt trên 7.510 tấn.

Đồng chí Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: UBND huyện tiếp tục tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Cụ thể như quy hoạch khu đô thị ven biển Diêm Phố, hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối với Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường tỉnh 526, mở rộng nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã hình thành mạng lưới giao thông có tính kết nối cao thuận tiện cho phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển; nâng cấp, nạo vét luồng lạch cảng cá, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, khuyến khích nâng cấp, cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển, các tàu cá tổ chức khai thác thủy sản theo tổ đội, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Ứng dụng công nghệ mới vào phát triển sản xuất như mô hình nuôi thâm canh trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại cho các tàu cá, khai thác, bảo quản thủy sản… Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, nước ngọt theo hướng thâm canh công nghệ cao, cấp mã vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Luật Thủy sản và xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu. Để người dân nuôi trồng yên tâm đầu tư, nâng cao giá trị nuôi nước mặn, huyện đang tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch vùng triều với diện tích trên 4.000ha, trong đó dành 1.000ha để cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản; 1.000ha để duy trì bảo vệ rừng ngập mặn, phát triển du lịch cộng đồng, 2.000ha để làm vùng đi lại và đánh bắt chung. Trước mắt, huyện Hậu Lộc đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phấn đấu mục tiêu tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác năm 2024 đạt 50.220 tấn thủy sản trở lên; tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

Bài và ảnh: Thu Hòa

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Leave A Reply

Your email address will not be published.