Thanh Hóa: Để những chuyến biển an toàn, bội thu

0

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, lực lượng biên phòng đã và đang nỗ lực tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm góp phần xây dựng nghề cá có trách nhiệm, hội nhập, phát triển bền vững, phù hợp với quy định của quốc tế.

tuyên truyền chống IUU

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho ngư dân trước khi tàu xuất bến.

“Trộm cá là mất tất cả”

Cuối tháng 11, gió mùa thổi từ biển vào thường mạnh cấp 4, cấp 5 tạo nên những cột sóng lớn nhô cao lừng lững tiến vào bờ. Bất chấp, những chiếc thuyền của ngư dân các xã ven biển huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa… vẫn nương theo sóng dữ ra biển.

Dầu, đá và thực phẩm chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày đã được chuyển hết lên thuyền, ông N.V.H, 57 tuổi ở xã Hòa Lộc (Hậu Lộc), neo thuyền đợi giờ lành là xuất bến. Trước cửa Trạm Kiểm soát Lạch Trường, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoằng Trường tuyên truyền các văn bản pháp luật cho ngư dân nghe trước lúc ra khơi, Trưởng trạm Phạm Ngọc Dương đến gặp ông H. để nhắc nhở và giải thích về các quy định của cơ quan chức năng trong khai thác hải sản. Đồng thời, cung cấp số điện thoại của mình trên sổ danh bạ thuyền viên để ngư dân tiện thông tin khi gặp sự cố hoặc phát hiện các hoạt động vi phạm trên biển.

Được biết, hơn 10 năm trước, tàu đánh cá do ông H. làm thuyền trưởng cùng 8 ngư dân hành nghề câu mực bị lực lượng của Malaysia bắt giữ vì mải mê bám theo luồng cá. Sau đó, họ lai dắt tàu cá và buộc toàn bộ thủy thủ lên một cảng biển, chỉ một người được cho về Việt Nam để thông báo với người nhà gửi tiền sang nộp phạt, những người còn lại bị giam giữ gần 5 tháng. Trong thời gian ấy, mọi người chỉ được phép liên lạc với gia đình một vài lần cùng một nội dung là gửi tiền sang để chuộc người, nếu không sẽ bị phạt tù.

“Về tới nhà gặp người thân mới tin là mình đã về Việt Nam, là vẫn còn sống, ai cũng bật khóc. Trước đó, mặc dù chúng tôi đã nộp đủ tiền phạt theo yêu cầu của họ, nhưng toàn bộ ngư cụ và chiếc tàu trị giá hơn 500 triệu bị phía Malaysia tịch thu”, ông H. nói.

Những tích góp từ các chuyến biển trước đều đã tan theo sóng nước, nên khi trở về ông “đi bạn” cho các tàu cá địa phương. Đầu năm 2020, ông H. vay ngân hàng, mượn khắp nơi sắm lại tàu mới dài 16m, tiếp tục vươn khơi.

“Từ thực tiễn của bản thân, trong các buổi trò chuyện với bạn thuyền tôi đều khuyên mọi người đừng vì hám lợi trước mắt mà mang tiếng cả đời. Nay theo quy định mới, vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ bị tịch thu tài sản, phạt tiền hàng tỷ đồng mà mức án tù lên đến 3 năm”, ông H. chia sẻ.

Với câu chuyện của mình, hy vọng ông H. sẽ là tuyên truyền viên đắc lực để những chủ tàu, thuyền trưởng khác đang có ý định “trộm cá” cũng phải rụt rè.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Đồn Biên phòng Hoằng Trường phụ trách hơn 12km bờ biển, quản lý 2 cửa lạch và địa bàn 5 xã khu vực biên giới biển. Tại địa phương có hơn 900 phương tiện với gần 3.000 lao động, trong đó hơn 100 phương tiện có chiều dài trên 15m; 100% đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện khi hoạt động trên biển. Nhằm giúp ngư dân nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài, Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu cho UBND huyện Hoằng Hóa thành lập và duy trì có hiệu quả Tổ giám sát cộng đồng phòng, chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo).

Cùng với các trạm kiểm soát biên phòng, đơn vị duy trì thường xuyên 1 tổ kiểm soát lưu động, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra, vào 2 cửa lạch, cương quyết không cho các phương tiện xuất bến khi không đủ thủ tục giấy tờ, không lắp thiết bị giám sát hành trình, không đủ điều kiện an toàn theo quy định, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và chức năng, quyền hạn của bộ đội biên phòng. Đặc biệt, cán bộ Đồn Biên phòng Hoằng Trường còn mời các chủ phương tiện, thuyền viên và người thân của họ đến xem hành trình của các tàu cá trên màn hình trình chiếu để từ đó có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định khi hoạt động trên biển. Qua đó, hiệu quả thấy rõ khi địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tình trạng tháo, tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã giảm nhiều.

Không riêng Đồn Biên phòng Lạch Trường mà ở các đơn vị biên phòng tuyến biển công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU cũng được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Chỉ tính 9 tháng năm 2024 Đồn Biên phòng Đa Lộc đã độc lập xử phạt hành chính 3 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, với số tiền gần 92 triệu đồng. Cả ba tàu này đều mất kết nối VMS trên biển quá 7 ngày và có tên trong thông báo vượt ranh giới cho phép trên biển.

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc Lê Đăng Khoa cho biết: Từ danh sách nhóm tàu nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài, đồn đã thành lập tổ phản ứng nhanh, quyết liệt đẩy mạnh công tác kiểm soát, quản lý chặt chẽ các tàu cá từ bờ ra đến biển. Trước đó, đồn đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ tăng cường tần suất tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa biển, kịp thời nắm bắt đầy đủ thông tin về tàu cá nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, còn tích cực phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng rà soát, thống kê tàu cá, ngư dân thường xuyên neo đậu, hoạt động ngoài tỉnh có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Nhờ giám sát chặt chẽ, nắm bắt nguồn tin từ cơ sở, tổ phản ứng nhanh kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, mỗi đảng viên, chiến sĩ cũng nhanh chóng phối hợp với địa phương, cán bộ thôn, khu phố nắm thông tin khi phát hiện tàu cá mất kết nối trên 6 giờ hoặc vượt ranh giới trên biển, liên lạc với gia đình, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Leave A Reply

Your email address will not be published.