Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản tháng 5 tăng mạnh

0

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng mạnh nên giá trị thặng dư thương mại giai đoạn này tăng tới trên 64% so với cùng thời điểm năm 2023.

5 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 24,141 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng này 5 tháng qua đạt 17,610 tỷ USD, tăng 10,1%; thặng dư thương mại 5 tháng đạt 6,531 tỷ USD, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành thủy sản. Ảnh: TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành thủy sản. Ảnh: TTXVN

Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 21% và 19% tổng giá trị xuất khẩu trong 5 tháng 2024. Tuy nhiên, trong khi cơ cấu của thị trường Mỹ tăng 1 điểm phần trong thì cơ cấu của thị trường Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm so với 5 tháng năm 2023.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường chính khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tăng mạnh nhất là thị trường ASEAN với 78,6%, tiếp theo là thị trường Mỹ với 23,9%. Các thị trường như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt là 16,6%, 9,5%, 8,6% và 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng lĩnh vực thủy sản, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,499 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là cá ngừ, mực và bạch tuộc, cua ghẹ…

Theo Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, trong đó giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản (tôm, cá tra) sang các thị trường vẫn ở mức thấp so với năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), tồn kho thủy sản tại nhiều thị trường giảm, trong khi lạm phát dần được kiểm soát sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại nhiều quốc gia trong thời gian tới.

Dự kiến trong tháng 7/2024, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Theo VASEP, nếu Việt Nam được công nhận thì đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp trong thời gian tới. Ngoài ra, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Bảo Hân

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.