Về mặt tâm linh, thả cá là hành động phóng sanh, một trong những việc thiện được các tôn giáo khuyến khích. Về mặt khoa học, thả cá về sông là giải pháp giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo tồn những loài thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao. Xét trên nhiều khía cạnh, thả cá là hoạt động có nhiều ý nghĩa tốt đẹp, cần được tuyên truyền, nhân rộng.
Vui như ngày hội
Khi có sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cùng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) tỉnh, hoạt động thả cá bản địa về thiên nhiên trên địa bàn An Giang diễn ra nhộn nhịp, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, ủng hộ, đặc biệt là đông đảo tín đồ PGHH. Những năm gần đây, không khí lễ thả cá ở khu vực sông Vàm Nao vui như ngày hội.
Từ sáng sớm, bà con từ khắp các địa phương đã tập kết xuồng, ghe chuyên dụng chở cá sống đến điểm thả cá. Do được tuyên truyền từ trước nên người dân chỉ mang theo những giống cá bản địa để thả, không phóng sanh các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại ra môi trường. Trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Tái tạo thả bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và hồ chính” do Tổng cục Thủy sản chủ trì xây dựng và triển khai, sông Vàm Nao trên địa bàn An Giang là 1 trong 6 thủy vực được lựa chọn đầu tư kinh phí, tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2020. Đây là hoạt động nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đóng góp của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đặc biệt là các tín đồ tôn giáo, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn An Giang.
Đông đảo người dân tham gia thả cá
Điều này đã được chứng minh khi tại buổi lễ thả cá xuống sông Vàm Nao ở khu vực phà Thuận Giang (bờ Phú Tân) được tổ chức vào dịp rằm tháng 9 vừa qua (31-10-2020), có 146 tổ chức và 323 cá nhân đã hưởng ứng tích cực, đóng góp tiền mặt và cá giống với tổng trị giá gần 1,1 tỷ đồng.
Qua đó, có 18.730 kg và 100.550 con cá giống đã được thả tái tạo nguồn lợi (quy ra tổng số lượng cá khoảng 1,12 triệu con), bao gồm những loài cá đặc sản như: cá bông lau, cá hô, mè hôi, vồ đém, chạch lấu, lăng nha, nàng hai, cá linh, cá ét, cá cóc, cá chép, cá basa, cá tra, vồ đém, cá chày, điêu hồng… Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản đã hỗ trợ 16.000 con cá hô và bông lau. Đây là những loài cá sông quý hiếm, có giá trị kinh tế cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tính riêng giai đoạn 2012 – 2019, ngành nông nghiệp đã phối hợp vận động thả 118,6 tấn cá giống về sông với tổng số tiền quy đổi tương tương 5,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách chiếm 14% (811 triệu đồng), còn lại 86% là nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.
Chung tay bảo vệ
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, những kết quả nổi bật trong hoạt động thả cá là nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ từ phía Tổng cục Thủy sản cùng Ban Trị sự Trung ương PGHH, Ban Đại diện PGHH tỉnh cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tín đồ tôn giáo. Hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và toàn xã hội với phương châm “chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngay bây giờ và thế hệ mai sau”.
Để không phụ những tấm lòng đóng góp cho lễ thả cá, công tác bảo vệ cá giống được triển khai nghiêm ngặt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, trước lễ thả cá 3 ngày, đơn vị đã phối hợp Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân) và địa phương tuyên truyền người dân không đánh bắt, khai thác cá khu vực sông Vàm Nao, trên và dưới đoạn ngã ba giao giữa sông Vàm Nao với sông Hậu. Dọc bờ sông Vàm Nao, các chủ dớn, đăng, đú, lọp đứng… đều tự nguyện tháo dỡ. Trong lễ thả cá và 5 ngày sau lễ thả cá, các lực lượng thường xuyên phối hợp tuần tra, nhắc nhở người dân không đánh bắt cá, kể cả giăng lưới có mắt lưới lớn.
“Qua ghi nhận, người dân chấp hành quy định rất tốt, không đánh bắt trước, trong và sau lễ thả cá. Có một số hộ do chưa nắm rõ quy định, còn giăng lưới (chủ yếu bắt cá lớn) trên sông Vàm Nao. Khi được tuyên truyền, giải thích, các hộ này đều tạm ngưng khai thác” – ông Bùi Văn Cóc (thanh tra Chi cục Thủy sản) thông tin.
“Biết lễ thả cá, vợ chồng tôi đã tạm ngưng giăng lưới từ 12-9 (âm lịch) đến nay (trước lễ thả cá 3 ngày). Nghe ban ấp nói sau rằm là có thể khai thác cá tự nhiên nên tôi giăng lưới lại. Nay nghe cán bộ nhắc nhở phải ngưng khai thác 5 ngày sau lễ thả cá, chúng tôi cũng vui vẻ chấp hành”- ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Trung 2, xã Tân Trung, Phú Tân) chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Phước Đựng (khu vực chợ Đình, thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) cho biết, đã tạm dừng giăng lưới đến hết ngày 20/9 (âm lịch), 5 ngày sau lễ thả cá. “Tôi xài loại lưới 6,5 tấc (mắt lưới 65 mm), chuyên bắt cá lớn, còn cá giống thả xuống sông Vàm Nao chắc chắn không dính lưới. Tuy nhiên, mình vẫn chấp hành tạm ngưng giăng lưới để những người đã đóng góp thả cá yên tâm hơn” – anh Đựng bộc bạch.
Ngô Chuẩn
Nguồn: Báo An Giang