Tết Đông – Tết Tây

0

“Văn hóa không có sự cao thấp, văn hóa chỉ có sự khác biệt”, chính sự khác biệt này khiến cho việc hiểu văn hóa càng thêm thú vị. Trong những ngày cuối năm, cùng tìm hiểu sự khác biệt của nét văn hóa phương Đông phương Tây.

Thời điểm đón Tết

Các nước phương Tây thường coi ngày mùng 1/1 theo Dương lịch là ngày bắt đầu một năm mới. Trong khi đó, các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam, thường dùng Âm lịch, tức là năm mới sẽ bắt đầu muộn hơn, trong khoảng tháng 1 – 2, thậm chí ở Myanmar thường vào tháng 4.

Cả Dương lịch và Âm lịch đều được xây dựng dựa trên chu kỳ thiên văn: Một ngày được tính theo vòng quay của Trái Đất quanh trục, một năm được tính theo quỹ đạo của Trái Đất quay quanh Mặt Trời và một tháng được tính theo quỹ đạo Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Các hệ thống lịch rất phức tạp bởi vì số ngày trong một tháng hay một năm không cố định. Âm lịch dựa trên việc theo dõi chu kỳ thiên văn, trong khi Dương lịch chia thành các tập hợp ngày gần giống chu kỳ thiên văn.

Hoạt động trong dịp Tết

Năm cũ qua đi, năm mới đến gần, dù là Đông hay Tây thì đều thực hiện các hoạt động cơ bản như mua sắm, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn đặc biệt riêng cho ngày Tết, gửi lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoạt động khác nhau.

Trong văn hóa phương Đông, ngày cuối cùng của năm thường tổ chức bữa ăn Tất Niên để tạm biệt năm cũ. Ngày đầu năm, người ta sẽ đốt hương trầm trên bàn thờ tổ tiên và khấn để cầu cho một năm mới bình an. Ngoài ra thường đi chùa hay thăm hỏi họ hàng và bạn bè để chúc mừng năm mới. Trẻ con nhận lì xì từ người lớn để đánh dấu một tuổi mới.

Tết của người phương Tây được bắt đầu bằng những cuộc diễu hành với những phương tiện giao thông được trang trí rực rỡ trên đường phố, bằng sự tụ họp của hàng trăm nghìn người tại những địa điểm công cộng, cùng nhau uống champagne và chờ đón thời khắc “giao thừa”. Tuy nhiên, kỳ nghỉ và những hoạt động của họ được bắt đầu từ ngày Thiên Chúa Giáng Sinh (24/12) kéo dài sang đến đầu tháng Một năm sau.

Quan niệm về năm mới

Người phương Đông tin rằng, vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người; vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại, tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết, họ kiêng kỵ nhiều điều, ví dụ như quét dọn nhà cửa, không nóng giận, cãi cọ nhau vì có thể mâu thuẫn cả năm…

Người phương Tây đón Tết cũng rất tưng bừng. Với họ, năm mới cũng là một dịp để vui chơi, sum họp và cùng nhau ngẫm lại những điều đã qua. Những giờ phút thiêng liêng ấy, chính là điều quý báu nhất của mỗi con người.

Món ăn dịp Tết

Món ăn trong ngày Tết của người phương Đông đa dạng mang theo nhiều hy vọng cho năm mới. Ví dụ như Hàn Quốc mâm cơm ngày cúng ông bà có hơn 20 món, trong đó có Tteokguk (một loại bánh canh gạo), Japchae (miến Triều Tiên), San Jeok (thịt heo và rau củ nướng xiên) triết lý ngũ hành tương sinh. Hay như Trung Quốc có món chả giò giống thỏi vàng, miếng sủi cảo giống nén bạc và món gỏi cá sống Yusheng (Ngư sinh), trùng âm “dư sống” để tượng trưng cầu vọng cuộc sống dư giả… Trên bàn thờ tổ tiên của họ còn có sự hiện diện của hai chiếc Nìn Cú (bánh tổ Niên Cao), một lớn ở dưới, một nhỏ ở trên tượng trưng cho sự thăng tiến, năm nào cũng vươn cao.

Ẩm thực ngày Tết của người phương Đông rất phong phú

Theo truyền thống của người phương Tây, những gì họ làm hay ăn trong ngày đầu tiên của năm mới có liên quan đến sự may mắn suốt năm đó. Rất nhiều nước cho rằng, những vật giống như chiếc nhẫn thể hiện điều này vì theo họ, vòng tròn là hiện thân cho sự xoay vòng của cuộc sống, cho sự no đủ và may mắn; người Hà Lan cho rằng ăn bánh rán (có hình tròn) mang lại cho họ một tương lai tốt đẹp. Và rất nhiều vùng trên nước Mỹ coi đậu Hà Lan (loại đậu tròn màu xanh) là món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc đầu năm. Bắp cải cũng là một loại rau luôn có mặt trong bữa tiệc này, lá của nó là dấu hiệu của sự thịnh vượng…

>> Tuy có sự khác biệt về văn hóa đón tết đó, nhưng Tết phương Đông vẫn được coi như một kho giá trị vĩ đại trong trái tim người Việt khắp năm châu. Trong đó, giá trị văn hóa tâm linh, nghệ thuật, xã hội và kinh tế hòa quyện thành một thể thống nhất, không thể bác bỏ…

Minh Hiếu (Tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.