Tây Ninh: Cần theo dõi chất lượng nước quan trắc

0

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nhờ công tác giám sát chủ động chất lượng nước và đưa ra khuyến cáo kịp thời tới người nuôi.

Trong 9 tháng đầu năm nay, diện tích thủy sản của Tây Ninh khoảng 407,521 ha (392,347 ha diện tích nuôi cá, riêng cá tra là 122,37 ha); thể tích nuôi lồng bè 3.200 m3; sản lượng nuôi trồng đạt 10.877.200 tấn. Nuôi thủy sản chủ yếu nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, người nuôi kiểu tự phát phần lớn diện tích hộ nuôi dưới 0,5 ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu. Đối tượng nuôi là các loài cá bản địa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một ít được thương lái thu mua bán sang Vương quốc Campuchia các loài thuỷ sản được nuôi nhiều là cá tra với khoảng 123,37 ha.

nuôi cá chạch Tây Ninh

Kiểm tra định kỳ chất lượng nước nuôi cá chạch lấu tại một vùng nuôi trong tỉnh Tây Ninh. Ảnh: ST

Báo cáo tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025 tổ chức ngày 03/10 tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, tình hình dịch bệnh thủy sản trong toàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên các đối tượng nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp nuôi bè trên sông xảy ra tình trạng thủy sản chết rải rác một vài khu vực. Nguyên nhân do chất lượng nước sông không ổn định, phù sa nhiều, chất thải từ khu dân cư, hiện tượng phú dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi bè.

Theo kết quả lấy mẫu giám sát chủ động những năm qua, một số khu vực nuôi vẫn còn tồn tại bệnh gan thận mủ và TiLV. Trong năm 2024, ngành thủy sản Tây Ninh đã triển khai 04 lần/06 lần quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản, thực hiện từ tháng 6 – 9/2024. Đa số các chỉ tiêu nằm trong giới hạn, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu thấp dưới ngưỡng như pH, DO. Dựa trên kết quả quan trắc, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến cáo tới người nuôi thủy sản xây dựng và quản lý mùa vụ phù hợp với chất lượng nước đã quan trắc.

Từ nay đến cuối năm, để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với hồ Dầu Tiếng. Khai thác thủy sản theo hướng bền vững đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, thực hiện mô hình quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững; kết hợp thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Ngoài ra, duy trì, phát triển các đối tượng nuôi trồng có hiệu quả, các đối tượng nuôi chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; củng cố, phát triển các vùng chuyên canh nuôi thủy sản tập trung hiện có trên địa bàn.

Tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh thuỷ sản; giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi và quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản. Thanh tra, kiểm tra việc buôn bán thuốc thú y thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh là tỉnh nội đồng, nuôi trồng thủy sản phát triển dọc theo lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và các kênh thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa. Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản có xu hướng giảm, nếu như năm 2015 tổng diện tích nuôi là 898 ha thì đến năm 2023 diện tích giảm còn 578,98 ha (520,14 ha nuôi, 40,6 ha nuôi cá cảnh, 19,24 ha ương dưỡng giống thủy sản); thể tích nuôi lồng bè 4.836 m3; sản lượng nuôi trồng đạt 13.552,07 tấn.

Thùy Khánh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.