Tập trung giải pháp đưa ngành tôm về đích

0

Sau Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ tháng 4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung giải pháp để khai thác tốt cơ hội, hạn chế rủi ro, phấn đấu đạt mục tiêu trong năm 2024.

Năm 2023, ngành tôm đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, vật tư, thức ăn thủy sản tăng. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp tại nhiều nước nhập khẩu dẫn đến giá bán tôm nguyên liệu chưa có nhiều khởi sắc, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của chuỗi sản xuất, đặc biệt là hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Dịch bệnh vẫn tiếp tục gây tổn thất cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng. Nhiều quốc gia nhập khẩu ngày càng quy định khắt khe, đặt tiêu chuẩn cao hơn đối với sản phẩm thủy sản. Năm 2024, dự báo ngành tôm nước lợ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như ảnh hưởng xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, Mỹ đang tiến hành điều tra về chống bán phá giá đối với tôm nước ấm của nhiều nước, trong đó có tôm Việt Nam.

Tập trung giải pháp đưa ngành tôm về đích

Ảnh minh họa

Để vượt qua khó khăn, thách vượt, khai thác tốt nhất cơ hội, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Thủy sản tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm (nếu có). Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giống tôm nước lợ của các địa phương.

Tăng cường hơn nữa việc quan trắc môi trường tại vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh cho các cơ sở sản xuất để hạn chế tối đa rủi ro cho người sản xuất.

Phối hợp với Cục Thú y xử lý dứt điểm, triệt để các bệnh mới trên tôm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh thành dịch.

Tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2024, kịp thời thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống với địa phương nuôi tôm thương phẩm. Tham mưu Bộ chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến quản lý giống tôm nước lợ theo phân công, phân cấp để phối hợp quản lý, giám sát, đồng thời thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, kiểm tra các cơ sở nước ngoài xuất tôm bố mẹ vào Việt Nam.

Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Thú y tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên giống tôm nước lợ, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ an toàn dịch bệnh; có giải pháp hiệu quả xử lý bệnh trên giống tôm nước lợ hiện nay, đặc biệt là một số bệnh mới phát sinh gần đây, có nguy cơ bùng phát thành dịch

Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu giống tôm nước lợ, chia sẻ thông tin về việc nhập khẩu tôm giống nước lợ cho địa phương có cơ sở thực hiện cách ly kiểm dịch nhập khẩu. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng gửi thông tin về việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch giống tôm nước lợ nhập khẩu về Cục Thủy sản để cùng phối hợp, giám sát, kiểm soát.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố quản lý sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ rà soát, thống kê theo quy định những cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở không thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận hoặc sản xuất, ương dưỡng mà không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.

Các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp cần khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, ương dưỡng giống tôm bố mẹ để chủ động cung cấp tôm giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu thả nuôi.

Phạm Thu

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.