Tăng cường tín dụng cho ngành nông nghiệp

0

Sự hỗ trợ, phối hợp giữa ngân hàng và ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp, nông dân, ngư dân tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, tạo cơ sở quan trọng giữ vững ngành xuất khẩu tỷ đô.

Sự hỗ trợ tích cực, kịp thời

Trước đó, tháng 7/2023, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

agribankhotrothuysan

Sự hỗ trợ từ ngân hàng trong thời gian qua đã giúp nhiều hộ nuôi thủy sản duy trì sản xuất. Ảnh: Agribank

Với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, lại cộng thêm việc được miễn, giảm các loại phí dịch vụ, nên khi chưa hết hạn, gói tín dụng này đã giải ngân hoàn thành 100% với trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.

Trong cuộc họp về tăng trưởng tín dụng cuối tháng 2/2024, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này thêm 15.000 tỷ đồng, tức là 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản, thủy sản…

Việc thực hiện các giải pháp tín dụng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở, nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản gắn với phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm, thủy sản với 74% dành cho ngành thủy sản đã tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của ngành này.

Đồng thời đây cũng được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ giúp ngành lâm, thủy sản giữ vị trí nằm trong top 6 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD năm 2023 và tạo phục hồi trong những tháng đầu năm 2024.

Đẩy mạnh tín dụng cho ngành nông nghiệp

Ngày 31/7/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã ký Quyết định số 2644/QĐ-BNN-KTHT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giải pháp đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Mục tiêu Tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách, chương trình, đề án, dự án có nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Để triển khai kế hoạch này, Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có việc phối hợp thực hiện công tác truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng và hoạt động ngân hàng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, tăng cường công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân, hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp ở nông thôn tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng đó, rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng và hoạt động ngân hàng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, người dân ở khu vực nông thôn hoặc có đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trong khu vực đó thuận lợi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, đào tạo, kết nối ngân hàng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả công tác trong thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy tín dụng phù hợp với thực trạng địa phương; tạo điều kiện để người dân, hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng và sử dụng hiệu quả các khoản vay.

Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp, cung cấp thông tin, tổng hợp, rà soát, đánh giá, đề xuất cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị.

Phối hợp, tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình thuộc lĩnh vực quản lý xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, đáp ứng điều kiện vay tín dụng, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các khoản vay hiệu quả, đúng mục đích.

Đồng thời, thường xuyên, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời tham mưu đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo thống kê, năm 2023, đã có trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 12/2023, quy mô tín dụng đối với lĩnh vực này đã lên đến 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngành thủy sản đạt 236.624 tỷ đồng, tăng 12,26%.
Phan Thảo

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.