Trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và sự cố thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của cộng đồng nông dân, ngư dân; Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về an toàn, không trang bị phao cứu sinh, áo phao khi hoạt động theo quy định.
Ngư dân Thừa Thiên Huế gia cố tàu, thuyền. Ảnh: Nguyễn Quốc
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản đáp ứng yêu cầu phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ); huy động mọi nguồn lực thực hiện phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do sự cố thiên tai. Xây dựng kế hoạch ứng phó với các sự cố thiên tai khác nhau để chủ động phòng, chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Xây dựng phương án sắp xếp, neo đậu tàu cá tại các khu neo đậu, tránh trú bão khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Xây dựng phương án gia cố ao, hồ, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, con giống tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản dự kiến nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; phương án thu hoạch thủy sản nuôi trồng phù hợp khi có bản tin dự báo sự cố thiên tai sắp xảy ra.
Các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản; tuân thủ các chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước có chức năng trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát, nhu cầu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục hồi sản xuất ngay sau khi sự cố thiên tai xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện thống kê số lượng, diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở hỗ trợ theo quy định. Khi có sự cố thiên tai xảy ra, các địa phương chỉ đạo Sở NN&PTNT báo cáo nhanh tình hình công tác trực ban chuyên ngành thủy sản tại địa phương về Cục Thủy sản…
Mới đây, UBND Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở NN&PTNT; UBND các huyện, TP Cà Mau tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau và các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện các nội dung liên quan tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về an toàn (nếu có). Huy động nguồn lực thực hiện phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do sự cố thiên tai. Xây dựng, ban hành kế hoạch, phương án ứng phó với sự cố thiên tai, sắp xếp, neo đậu tàu cá, gia cố ao, đầm, lồng bè, thu hoạch thủy sản nuôi trước ngày 8/6/2024. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kê khai sản xuất ban đầu, thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kịp thời, đúng quy định. Đồng thời, lập danh sách cán bộ thực hiện công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản và báo cáo tình hình khi có sự cố thiên tai xảy ra về Cục Thủy sản theo quy định.
Ngày 22/5, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình ban hành Công văn số 1318/SNN-TS đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai một số nội dung như: Xây dựng phương án gia cố ao, hồ, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, con giống tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản dự kiến nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; phương án thu hoạch thủy sản nuôi trồng phù hợp khi có bản tin dự báo sự cố thiên tai sắp xảy ra. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát, nhu cầu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục hồi sản xuất ngay sau khi sự cố thiên tai xảy ra.
Quảng Ngãi là địa phương nằm ở Duyên hải miền Trung, thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai. Từ năm 2011 – 2022, đã có 110 cơn bão, 38 áp thấp nhiệt đới xảy ra trên Biển Đông, 53 đợt mưa, lũ xảy ra trên đất liền gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản của người dân và Nhà nước. Do đó, để chủ động trong công tác dự lường và ứng phó với những diễn biến khó lường của thời tiết, hỗ trợ cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định chi hơn 6 tỷ đồng để phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn.
Vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai năm 2024. Trong đó, đặc biệt, phải bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “Hành động sớm, chủ động trước thiên tai”; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; đổi mới tư duy cách tiếp cận theo tinh thần quản trị, quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi. Mục tiêu cao nhất là giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân, bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét; phát triển bền vững; xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai; kiện toàn tổ chức lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai theo hướng tinh gọn và chuyên nghiệp; nâng cao năng lực theo dõi giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời.
Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2024 diễn ra từ ngày 15 – 25/5 có chủ đề “Hành động sớm – Chủ động trước thiên tai”; nhằm đề cao tính chủ động, tiên phong của các hoạt động phòng ngừa, nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. Ba trụ cột chính trong triển khai hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam gồm: Cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai.
Vân Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn