Chiều ngày 12/10/2024 tại Hà Nội, lãnh đạo Hội Thủy sản Việt Nam có buổi làm việc với Công ty Thông tin hàng hải Starboard về phần mềm Starboard giúp giải quyết những thách thức phức tạp trên biển như đánh giá rủi ro cho tàu thuyền, phát hiện tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp,…
Tham dự có đại diện Hội Thủy sản Việt Nam, Tham tán Đại sứ quán New Zealand, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Starboard.
“Luôn đau đáu với bài toán IUU”
Phát biểu tại buổi làm việc, Tham tán Đại sứ quán New Zealand Guy Lewis cho biết New Zealand và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao gần 50 năm. Tháng 9/2009 hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và sau đó nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7/2020. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, riêng năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng sang New Zealand, trong đó có thủy sản. Ông Guy Lewis bày tỏ mong muốn, thông qua buổi gặp gỡ với Hội Thủy sản Việt Nam lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên dựa trên những thế mạnh của mỗi quốc gia.
Các đại biểu tham dự
Về phía Hội Thủy sản Việt Nam, ông Hoàng Đình Yên cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ New Zealand đã tạo điều kiện hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Ông Yên nêu rõ vấn đề lớn nhất của ngành hiện nay đó là chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU.
Hiện nay, Việt Nam có số lượng tàu cá rất lớn với trên 86.000 chiếc, chỉ tính riêng tàu có chiều dài trên 15 m đã là hơn 30.000 chiếc. Đa phần các tàu đã được lắp thiết bị giám sát hành trình theo dõi hoạt động trên biển. Cũng chính bởi số lượng tàu quá lớn, dẫn đến việc khai thác vượt quá nguồn lợi. Do vậy, nhà nước đã có chủ trương là giảm số lượng tàu cá và lượng đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2017, EC phát cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác trên biển của nhiều tàu cá, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu thủy sản sang châu Âu. Tổng Thư ký Hoàng Đình Yên nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi hiện nay đó là tìm ra các giải pháp tối ưu để chống IUU, khắc phục thẻ vàng của EC.
“Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, các giải pháp chống IUU cũng được thực hiện hết sức quyết liệt, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản được quan tâm, bên cạnh đó công tác chống vi phạm khai thác trên vùng biển nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Trong quá trình triển khai, mặc dù khung pháp lý đầy đủ xong việc thực thi còn khó khi vẫn còn tình trạng tàu cá ngắt thiết bị giám sát hành trình”. Ông Yên cho hay.
Theo lãnh đạo Hội Thủy sản Việt Nam, nguyên nhân tàu cá mất kết nối có thể đến từ nhiều phía, như nhà cung cung cấp thiết bị bị lỗi, mất sóng trong quá trình hoạt động, mất tín hiệu kết nối, sóng vệ tinh kém. Nhiều địa phương điển hình như tỉnh Quảng Bình thời gian qua đã gặp tình trạng này. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan đến từ người sử dụng đó là các chủ tàu, thuyền trưởng đã tự ý ngắt kết nối hoặc cũng một phần do họ sử dụng thiết bị còn chưa thành thạo,…
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, xử lý nghiêm trường hợp tàu ngắt kết nối. Vậy nên Tổng Thư ký Hoàng Đình Yên cho rằng, để khắc phục tình trạng này, cần có thiết bị giám sát phù hợp.
“Starboard” nhận diện chính xác tàu cá vi phạm
Tham dự cuộc họp lần này, ông Vincent Nguyen, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Starboard đã giới thiệu sơ lược về công nghệ Starboard. Đây là nền tảng nhận thức về lĩnh vực hàng hải với độ an toàn, mạnh mẽ và trực quan, cung cấp nhận thức tình huống theo từng lớp toàn diện.
Về cơ bản, Starboard sẽ thu thập, phân tích và liên kết nhiều loại dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Các thuật toán chạy ở chế độ nền, cung cấp phân tích trong hình ảnh hoạt động chung theo không gian địa lý, có thể vận hành trên mọi thiết bị được kết nối internet và hỗ trợ phối hợp giữa các tổ chức cách xa nhau về địa lý.
“Chúng tôi thu thập hơn 250 triệu vị trí tàu mỗi ngày từ dữ liệu hệ thống nhận dạng tự động (AIS) toàn cầu theo thời gian thực và kho lưu trữ của chúng tôi có thể truy xuất tới tháng 5/2020. Thông qua rất nhiều thuật toán và mô hình học máy, chúng tôi biến dữ liệu lớn này thành hoạt động hàng hải dễ hiểu và là mô hình sống cho tất cả các tàu báo cáo AIS trên thế giới. Năng lực tinh vi này đã tạo ra hàng trăm triệu sự kiện độc đáo và có thể lọc được để mô tả lĩnh vực hàng hải.” Ông Vincent Nguyen nêu rõ.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực thủy sản và bảo vệ biển, phần mềm có thể giúp giám sát và tuân thủ đội tàu đánh cá có chủ quyền. Xác định các tàu đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) không phải của Việt Nam gây đe dọa cho vùng biển Việt Nam. Giám sát các khu bảo tồn biển. Được biết, Starboard hiện đang cung cấp dịch vụ cho các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân tại 17 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Tại New Zealand, hàng trăm người dùng ở các cơ quan phụ trách lĩnh vực biển và hàng hải sử dụng Starboard để hoàn thành đánh giá rủi ro tàu hàng ngày, hỗ trợ các hoạt động chiến thuật và tiến hành phân tích phức hợp để nâng cao nhận thức tình hình và bảo vệ quốc gia.
Qua nghe phần trình bày về công nghệ công nghệ Starboard, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam Hoàng Đình Yên nhận định, đây là công nghệ rất hay với nhiều tính năng ưu việt, đảm bảo khắc phục những hạn chế của nghệ cá Việt Nam hiện nay. Xử lý tàu ngắt kết nối là bài toán khó đang cần nhanh chóng tháo gỡ. Do đó, Hội Thủy sản Việt Nam sẵn sàng phối hợp với công ty, kết nối với Hội thủy sản tại các địa phương, cơ sở để triển khai công nghệ ưu việt tới người dân. “Ngoài ra, công ty cũng nên phối hợp chặt chẽ cùng Cục Thủy sản, Kiểm ngư để thực hiện sao cho hiệu quả”. Ông Yên gợi ý thêm.
Liên quan đến việc đưa phần mềm này ứng dụng tại Việt Nam, ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, cần có mạng lưới tuyên truyền quảng bá tốt, làm rộng rãi và thường xuyên, đồng thời chi phí đầu tư để thực hiện cũng cần hấp dẫn với người dân bởi những tàu nhỏ thì rất cần có giá phù hợp.
Ông Lựu đánh giá: “Đây là công nghệ rất hay, nếu ứng dụng để phát hiện các va chạm trong quá trình khai thác ngoài khơi, can thiệp kịp thời hoặc là cơ sở để hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân khi gặp rủi do thì sẽ hiệu quả. Thậm chí nếu công nghệ có thể mở rộng sang việc dự báo được tọa độ sóng gió, tích hợp cảnh báo cho tàu cá thì rất hữu ích”.
Thùy Khánh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn