Không chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và ngư dân; trong chặng đường 35 năm phấn đấu và trưởng thành, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã thực sự là người bạn đồng hành của ngư dân, đối tác tin cậy của kinh tế biển nước nhà.
Phát triển nghề cá bền vững
Cả nước đang sôi nổi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thủy sản được xác định là một trong sáu ngành kinh tế biển then chốt cần ưu tiên phát triển hiệu quả, bền vững và ngư dân nước ta đóng vai trò tiên phong trong công cuộc không chỉ làm giàu cho đất nước, mà còn thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Để góp phần hoàn thành sứ mạng cao cả và gian khó đó, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) ra đời (2000) từ tiền thân là Hội Khai thác cá biển (1986) trở thành tổ chức đại diện cho gần 2,5 triệu ngư dân Việt Nam, là cầu nối với ngành thủy sản nước ta và các tổ chức nghề cá thế giới có liên quan. Trong chặng đường 35 năm phấn đấu và trưởng thành, VINAFIS đã thực sự là người bạn đồng hành của ngư dân, đối tác tin cậy của kinh tế biển nước nhà.
VINAFIS xác định và nhận diện ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (bao gồm bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản) là các yếu tố cơ bản cấu thành một nghề cá bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh. Do đó, ưu tiên giải quyết đồng bộ ba vấn đề trên sẽ góp phần: (i) Tăng cường “thế và lực” để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng; (ii) Bảo đảm phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững gắn với cải thiện sinh kế của các cộng đồng ngư dân ven biển và trên các đảo; (iii) Giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian giữa các ngành/cộng đồng trong quá trình khai thác và sử dụng cùng một vùng biển; (iv) Giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU) trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông; (v) Tạo ra các giá trị “văn hóa biển” độc đáo Việt Nam – nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta; (vi) Bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982…
Ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường là các yếu tố cơ bản cấu thành một nghề cá bền vững – Ảnh: Xuân Trường
Thời gian qua, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội, với nhận thức nói trên, VINAFIS đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thiết thực, kịp thời đối với ngư dân liên quan tới các rủi ro thiên tai và “nhân tai” khi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển của nước ta. Tham gia các hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án, các chính sách, chiến lược, luật pháp liên quan tới phát triển thủy sản ở nước ta. Bám sát tình hình hoạt động trên biển, VINAFIS thường xuyên tiếp nhận, thẩm định, phản ánh và kiến nghị các biện pháp lên các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu trách để xử lý kịp thời các tình huống xấu, các vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tàu thuyền của ngư dân ta. VINAFIS cũng bày tỏ quan điểm phản đối dưới nhiều hình thức khác nhau đối với những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của ngư dân. Đặc biệt, tiếng nói “hồn cốt” về biển đảo và về ngư dân nước ta đã được chuyển tải và phản ánh ngay tại diễn đàn Quốc hội thông qua Đại biểu Quốc hội đại diện cho VINAFIS và cử tri ngư dân cả nước.
Ngoài ra, kết hợp với các Hội Thủy sản của các tỉnh, VINAFIS rất chú trọng hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, trang bị kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý nghề cá cấp cơ sở; hỗ trợ pháp luật, chuyển giao công nghệ mới và tiên tiến; triển khai áp dụng các mô hình khai thác, NTTS bền vững; các mô hình quản lý nghề cá mới, như: quản lý theo chuỗi giá trị, quản lý tổng hợp nghề cá dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản mà về bản chất là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng hưởng”. Điển hình cho các hoạt động này, có thể kể là các dự án của Hội Nghề cá Bình Thuận với sự hỗ trợ tài chính của Chương trình dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) và UBND tỉnh Bình Thuận. Các kết quả của dự án đồng quản lý thủy sản ở huyện Hàm Thuận Nam cho thấy sự đúng đắn của Luật Thủy sản (2017) và các luật khác liên quan tới biển được Quốc hội thông qua gần đây. Hiện nay, GEF SGP đang hỗ trợ triển khai dự án liên quan đến ngăn chặn đánh bắt IUU ở Bình Thuận dựa trên việc xây dựng mô hình cộng đồng đánh cá “tự quản, tự điều chỉnh, tự kiểm soát” vì sự bền vững của nguồn lợi và nghề cá do ngư dân “làm chủ”…
Hướng đến chuyên nghiệp hóa
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và thúc đẩy các hoạt động nói trên, VINAFIS sẽ chú trọng đến tăng cường vị thế, uy tín và đóng góp của Hội đối với đất nước, ngành thủy sản và ngư dân thông qua đẩy mạnh hoạt động kinh tế, truyền thông. Đóng góp các sáng kiến và tư vấn các biện pháp để quản lý theo chuỗi trên cơ sở áp dụng “chuyển đổi số” trong các hoạt động: sản xuất và bảo quản sản phẩm thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản, quản lý nghề cá và kiểm soát các hoạt động tàu thuyền đánh cá trên biển…
Bên cạnh đó, để hướng tới chuyên nghiệp hóa trong hoạt động, Ban Chấp hành Hội đã đưa ra nhiệm vụ trong thời gian tới cần đẩy mạnh đổi mới hoạt động công tác Hội, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động từ Văn phòng Trung ương và một số Tỉnh hội trọng điểm. Tăng cường vận động để phát triển thêm nhiều hội viên tập thể là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia Hội. Phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội được Nhà nước đánh giá cao, được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Với định hướng như vậy, VINAFIS xứng đáng là đại diện của ngư dân, là đối tác tin cậy của ngành thủy sản. Ngư dân luôn đồng hành cùng dân tộc, VINAFIS sẽ đồng hành cùng ngư dân vì sự nghiệp phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam