Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp thông tin về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 tổ chức chiều 9/9 tại Hà Nội. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Cục, vụ, viện, trung tâm trực thuộc Bộ.
Thiệt hại rất lớn và chưa thể thống kê hết
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, về thiệt hại nông nghiệp, có 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; gần 124.600 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; trên 22.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 6.890 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, trong đó riêng tại Quảng Ninh là 1.000 lồng bè, Hải Dương 300 lồng bè; 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương với 186.000 gia cầm). Các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Các đại biểu tham dự cuộc họp thông tin về một số giải pháp trước mắt khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3. Ảnh: Hồng Nhung
Đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản, trước khi bão vào, Cục Thủy sản đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu kiểm đếm, kêu gọi các tàu khai thác thủy sản trên biển nhanh chóng di chuyển vào bờ và tìm nơi tránh trú bão an toàn; đồng thời hướng dẫn ngư dân chằng, chống tàu và lồng bè nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, do cơn bão này có cường độ rất mạnh và thời gian hoành hành ở Quảng Ninh, Hải Phòng kéo dài khoảng 5 tiếng nên thiệt hại về lồng bè của ngư dân rất lớn. “Do sóng biển quá lớn, nhiều diện tích nuôi hàu bị đứt dây, đập rụng, các mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE cũng bị sóng đánh rơi, số lượng cá trong lồng bị thất thoát ra ngoài lớn.”. Ông Luân cho biết.
Thực tế, sức càn quét của cơn bão quá lớn khiến Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện trên diện rộng ảnh hưởng đến nuôi tôm. Riêng ở Cát Bà (Hải Phòng) đến nay vẫn chưa tiếp cận được con số thiệt hại. Trong khi đó tại Quảng Ninh, vùng nuôi hàu cơ bản bị hỏng. Đặc biệt, lồng nuôi hải sản ở vùng biển hở cũng bị hư hỏng, cuốn trôi gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân.
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, do bão quá mạnh làm cho lồng bè, phao nuôi trồng thủy sản của ngư dân bị đánh vỡ, trôi nổi rất nhiều trên biển nên điều này có thể làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi sau khi bão đi qua. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn địa phương thu gom xử lý, đồng thời xem xét hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất.
Khôi phục sản xuất thủy sản
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu của bão số 3 còn đang rất phức tạp nên nguy cơ thiệt hại vẫn còn. Để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, duy trì xuất khẩu, tăng trưởng, đảm bảo CPI và đời sống nhân dân, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục sản xuất.
Trong đó, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Thủy sản chuẩn bị tổ chức sớm hội nghị phục hồi nuôi, trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản trên biển; đồng thời huy động các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hỗ trợ con giống, thức ăn, thiết bị… cho các doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do bão. Trên cơ sở tổng kết cơn bão số 3, sẽ có những tổng kết về kỹ thuật để đảm bảo lồng bè nuôi trồng thủy sản được an toàn trong bão và bền vững. “Chúng tôi chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chia sẻ cùng với các địa phương đang bị thiệt hại và chúng ta sẽ phục hồi sớm được sản lượng thuỷ sản”. Thứ trưởng khẳng định.
Cũng trong ngày 09/9/2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ký công văn số 6661/BNN-TS gửi các tỉnh, thành tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình đề nghị chủ động triển khai các biện pháp nhằm sớm khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các địa phương cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, tổ chức thu gom xử lý rác thải, chất thải, thuỷ sản chết theo quy định. Đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đặc biệt vùng nuôi trồng thuỷ sản trên biển.
Thứ hai, tổ chức thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại, tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản sau bão phù hợp với điều kiện địa phương (kế hoạch sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, gia cố ao đầm, lồng bè,…).
Thứ ba, hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khoẻ đàn thuỷ sản nuôi còn lại sau bão, đồng thời hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng, bè (lưu ý sử dụng vật liệu mới, thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu với điều kiện khắc nghiệt trên biển), ao đầm nuôi trồng thủy sản, công trình phụ trợ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.
Thứ tư, tập trung quan trắc, giám sát môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do bão và kịp thời chuyển tải thông tin, khuyến cáo và hỗ trợ ngư dân trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản.
Thứ năm, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và hướng dẫn các biện pháp phòng, trị bệnh trên động vật thủy sản.
Thùy Khánh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn