Đó là chủ đề buổi hội thảo do Sở NN&PTNT Sóc Trăng phối hợp cùng Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ và Công ty Cổ phần UV tổ chức vào sáng ngày 15/5. Ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nhã cho biết, không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành tôm Sóc Trăng còn đóng góp rất lớn cho ngành tôm cả nước, với sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành tôm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đến từ thời tiết, dịch bệnh và cả thị trường tiêu thụ khiến lợi nhuận của người nuôi tôm đang ngày càng giảm sút, đặc biệt là dịch bệnh trên tôm luôn diễn biến phức tạp, bệnh cũ chưa qua, bệnh mới đã xuất hiện và gây hại cho tôm nuôi. Do đó, cần có giải pháp tốt nhất để giúp ngành tôm phát triển hiệu quả hơn, nhất là giải pháp về phòng và trị bệnh cho tôm nuôi.
Người nuôi tôm rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh nên đến tham dự hội thảo rất đông
Thông tin về tình hình vụ tôm năm 2024, Ths. Quách Thị Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, cho biết đến hết ngày 13/5, toàn tỉnh đã thả nuôi gần 13.742 ha, đạt 27% kế hoạch, giảm 4,66% so cùng kỳ; trong đó, tôm thẻ là 11.002 ha, còn lại là tôm sú. Sản lượng tôm đã thu hoạch ước khoảng 14.400 tấn, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Hiện số diện tích đang còn tôm gần 11.500 ha, chủ yếu là tôm từ 30 đến dưới 60 ngày tuổi.
Diện tích tôm thiệt hại theo ghi nhận là 344 ha, chiếm 2,5% so với diện tích thả nuôi và cao hơn 117 ha so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do các yếu tố môi trường (152,85 ha), bệnh hoại tử gan tụy cấp (97,75 ha), còn lại là bệnh đốm trắng, phân trắng và vi bào tử trùng. Các kết quả giám sát dịch bệnh cũng phát hiện có nhiều ao tôm chết nhanh, chết bất thường có các triệu chứng lâm sàng giống bệnh TPD khi tôm chỉ mới thả được 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm mẫu tôm bệnh trên chỉ cho dương tính với các bệnh như: đốm trắng, EHP, EMS, nên đơn vị thú y đã gởi các mẫu về Cục Thú y để tiếp tục xét nghiệm xác định có tác nhân gây bệnh làm chết tôm mới hay không.
Chia sẻ về bệnh TPD, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh của Trường Thủy sản –Đại học Cần Thơ, cho rằng chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề bệnh TPD vì bên cạnh bệnh này vẫn còn đó những bệnh đáng lo khác, như: phân trắng hay EHP. GS.TS Oanh cũng khuyến cáo nên thận trọng khi kết luận tôm bị thiệt hại sớm, nhanh là do TPD vì một số loại bệnh khác cũng có những triệu chứng lâm sàng tương tự như TPD. GS.TS Oanh chia sẻ: “Ở giai đoạn post có rất nhiều nguyên nhân là cho tôm chết và thường trước khi chết khoảng 2 – 3 ngày là tôm đã bỏ ăn nên ruột trống rỗng, nhìn trong suốt giống như triệu chứng bệnh TPD. Đơn cử như tôm post ở các trại giống khi bị bệnh phát sáng chết cũng có màu trong suốt như. Tương tự như thế, tôm post chết có thân màu đỏ nhưng chưa chắc là tôm bị bệnh đỏ thân. Nói một cách khác là tôm giai đoạn post chết có biểu hiện đỏ thân hay trong suốt chỉ nói lên sự bất thường của tôm khi chết, chứ chưa thể kết luận ngay là tôm đã bị bệnh đỏ thân hay TPD”.
Ths. Lê Đức Hải – Giám đốc Nghiên cứ và Phát triển Công ty Cổ phần UV mang đến hội thảo một tiến bộ khoa học khá mới là “Công nghệ tạo kháng thể phòng bệnh trên tôm và giải pháp phòng trị TPD” (gọi tắt là công nghệ IgY hay công nghệ kháng thể từ lòng đỏ trứng gà). Công nghệ này đã được công ty thương mại hóa và được ứng dụng vào thực tế các mô hình nuôi tôm tại Sóc Trăng và một số tỉnh khác trong khu vực cho kết quả rất tích cực, giúp tôm vượt qua một số bệnh nguy hiểm trong đó có bệnh TPD trong 20 – 30 ngày đầu. Công ty cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản Sóc Trăng ứng dụng kháng thể trên vào 10 mô hình nuôi tôm nữa ngay trong vụ tôm năm 2024.
Một trong những vấn đề người nuôi tôm quan tâm là bệnh TPD (nếu có) có điều trị được hay không và bằng cách nào, vì trong những tháng đầu năm tôm mới thả chết rất nhiều và có biểu hiện giống như bệnh TPD? Về vấn đề này, GS.TS Oanh, khẳng định, ở góc độ chuyên môn thì khi tôm đã phát bệnh là gần như không thể điều trị mà chỉ có thể phòng bệnh vì một khi tôm đã phát bệnh là sẽ bỏ ăn. Mặt khác, hiện ngay cả Trung Quốc, nơi công bố bệnh TPD đầu tiên cũng chưa xác định được chủng vi sinh nào có thể đối kháng được với TPD, nên người nuôi chỉ có thể phòng bệnh bằng cách xử lý nước thật triệt để và chọn mua con giống có chất lượng tốt của các công ty có tên tuổi, uy tín trên thị trường.
Xuân Trường
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn