Sóc Trăng: Nhân rộng nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả

0

Thời gian qua, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển. Trong nuôi tôm, người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả, gia tăng giá trị kinh tế.

Diện tích, sản lượng tăng

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển. Diện tích thả nuôi thủy sản, sản lượng thủy sản tăng so cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nhìn chung khá thuận lợi.

mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Cụ thể, tổng diện tích thả nuôi thủy sản được 68.231 ha, tăng 1,16% so cùng kỳ (chủ yếu tăng do diện tích nuôi cá các loại); trong đó: tôm nước lợ 47.003 ha, giảm 1,32%, cá và thủy sản khác là 21.228 ha, tăng 7,1%. Tỷ lệ diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 5,1% (tỷ lệ cùng kỳ là 4,1%). Tổng sản lượng thủy sản đạt 289.575 tấn, đạt 76,2% theo Nghị quyết, tăng 1,58% so cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng 237.652 tấn, tăng 1,5%, tôm nước lợ 149.651 tấn, cá và thủy sản khác 88.001 tấn; sản lượng khai thác 51.923 tấn (tăng 1,94% nhờ diễn biến thời tiết khá thuận lợi góp phần nâng cao mùa vụ khai thác của ngư dân).

Trong những tháng đầu năm, giá tôm thẻ chân trắng thấp, liên tục giảm (nhất là tháng 6, 7) tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng tăng khá mạnh, hiện dao động khoảng 107.000 – 225.000 đồng/kg (tùy loại), trung bình tăng 17.300 đồng/kg so đầu năm và tăng từ 9.000 – 39.000 đồng/kg so cùng kỳ.

Tổ chức lại sản xuất

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ tại từng địa phương, các lợi thế về thị trường,…”.

Những năm qua, nhiều mô hình nuôi tôm có hiệu quả được người dân nhân rộng như nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm sú lót bạt bờ có hố xi phông xử lý chất thải, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao (diện tích nuôi tôm lót bạt đạt 4.872 ha).

Điển hình về nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả là mô hình của ông Trần Văn Khởi, ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Với 9 ha nuôi tôm nước lợ ông Khởi cải tạo thành 26 ao; trong đó, có ao nuôi, ao dự trữ nước, ao lắng, ao ương dưỡng tôm nhỏ, ao chứa thải,… Trong đó, các ao nuôi tôm đều có hệ thống xi phông đáy ao (hố chứa thải để làm vệ sinh đáy ao, hạn chế ô nhiễm nguồn nước nuôi trong ao) và lót bạt bờ xung quanh ao. Hố xi phông được kết nối bằng ống nhựa với máy hút đặt trên bờ. Định kỳ 5 – 6 ngày/lần ông cho máy hút chất thải ra ngoài ao chứa thải, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi.

Mỗi vụ nuôi, ông Khởi thả tôm mật độ từ 70 – 90 con/m2, nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg thì thu hoạch, cỡ size này sẽ cho giá cả và lợi nhuận tốt nhất. Với diện tích 1.200 m2/ao, sản lượng tôm thu về từ 2 – 3 tấn/ao. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng hằng năm nuôi từ 1 – 2 vụ/9 ha, ông thu về 50 – 60 tấn, trừ chi phí lợi nhuận ông lãi khoảng 2 đến 4 tỷ/năm.

Theo kế hoạch, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, diện tích thả nuôi tôm của tỉnh đạt 57.000 ha, sản lượng đạt 233.800 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì đạt trên 1 tỷ USD.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển ngành tôm theo hướng tổ chức lại sản xuất, hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra. Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm nâng cao chuỗi giá trị.

Thanh Hiếu

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.