Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đã phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Bền vững mô hình cá – lúa
Mô hình cá – lúa trong những năm qua đã phát triển mạnh tại xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Thực tế cho thấy, mô hình thả cá trong ruộng lúa cho năng suất tốt, thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với chỉ trồng 2 vụ lúa. Cụ thể, thu nhập trên 1 ha từ lúa và cá dao động từ 100 – 120 triệu đồng/vụ.
Từ hiệu quả của mô hình lúa – cá mang lại, trong những năm qua ngành nông nghiệp thị xã Ngã Năm đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong việc phát triển và nhân rộng mô hình. Từ đầu năm tới nay, Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, Trạm Khuyến nông thị xã Ngã Năm đã phối hợp với các ngành đã hỗ trợ địa phương làm điểm mô hình lúa – cá với diện tích trên 24 ha. Theo đó, khi tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 50% cá giống, 50% thức ăn cho cá và một số chế phẩm sinh học để xử lý nước. Mặt khác, các hộ được trạm khuyến nông tập huấn về cách cải tạo nguồn nước nuôi cá và cách nuôi cá thả trong ruộng lúa, cách nhận biết được một số bệnh thường gặp trên con cá. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn, theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình đạt hiệu quả cao.
Lợi ích nuôi tôm ao đất có xi phông
Ông Trần Văn Khởi, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm ao đất có xi phông hơn năm qua. Ông Khởi có 9 ha nuôi tôm nước lợ, với tổng số 26 ao, trong đó bao gồm ao nuôi, ao dự trữ nước, ao lắng, ao ương dưỡng tôm, ao chứa thải… Hầu hết các ao nuôi tôm bằng ao đất đều được làm xi phông đáy ao và lót bạt bờ xung quanh ao.
Ông Khởi chia sẻ, để con tôm nuôi sinh trưởng nhanh, đạt năng suất, chất lượng cao, giữ môi trường ao nuôi đảm bảo thì ngoài việc áp dụng làm xi phông đáy ao nuôi, ông còn áp dụng quy trình nuôi nước trước nuôi tôm. Vì vậy, vào các tháng nước có độ mặn phù hợp, khi ngành chuyên môn khuyến cáo lấy nước vào ao nuôi tôm, ông Khởi dành riêng một ao lấy nước vào dự trữ. Trong ao dành dự trữ nước nuôi sẵn cá phi, lấy nước vào ao từ từ, cá phi lúc bấy giờ đã lớn sẽ ăn tất cả các loại sinh vật gây hại cho tôm phát sinh trong nước, kể cả các loại tảo, rong rêu có trong nước, giúp cho nước sạch các loại vi khuẩn, các loại sinh vật làm ảnh hưởng đến tôm khi thả giống.
Để tránh một số dịch bệnh thường gặp trên tôm như: phân trắng, đốm trắng thì người nuôi tôm phải tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, lựa chọn thời gian xuống giống phù hợp, chỉ thả nuôi tôm từ 1 – 2 vụ/năm. Mật độ thả nuôi tôm phù hợp từ 70 – 90 con/m², nuôi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg thu hoạch. Với diện tích 1.200 m²/ao nuôi, sản lượng tôm thu về từ 2 – 3 tấn/ao. Tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng hằng năm nuôi từ 1 – 2 vụ/9 ha, thu về 50 – 60 tấn, trừ chi phí lợi nhuận từ 2 – 4 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng Võ Văn Bé, mô hình nuôi tôm ao đất làm hố xi phông đáy ao của ông Trần Văn Khởi được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm. Đơn vị đã và đang nhân rộng mô hình này tại các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Diệp
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn