Siết chặt quản lý hoạt động của các tàu cá

0

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống khai thác IUU được Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương ven biển tập trung thực hiện đó là kiểm soát hoạt động của các tàu cá, nhất là tàu khai thác xa bờ. Với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm nay.

Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến trước ngày 1/7/2024 phải hoàn thành tích hợp sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương ven biển đẩy mạnh triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU; khẩn trương xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện IUU kể từ sau đợt kiểm tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) đến nay, gửi Đoàn thanh tra của EC; chuẩn bị chu đáo để làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC và gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đồng bộ dữ liệu nghề cá quốc gia (tàu đánh cá, chủ tàu và các thuyền viên trên tàu) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu; hoàn thành trước ngày 30/5/2024. Chuẩn bị hạ tầng và thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để liên thông dữ liệu đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản để khai báo lưu trú cho các thuyền viên, chủ tàu thuyền trên tàu cá; tích hợp sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập và thực hiện các thủ tục về đăng ký tàu cá, khai thác thủy sản; hoàn thành trước 1/7/2024.

Siết chặt quản lý hoạt động của các tàu cá

Thường xuyên giám sát hoạt động của các tàu cá qua hệ thống định vị. Ảnh: N. Lân

Ngày 10/4, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Một trong những nội dung được đề cập tại Chỉ thị này đó là tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bảo đảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; giám sát được 100% sản lượng thủy sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Cùng đó, kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, thực hiện công tác chống khai thác IUU; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm; kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.

Quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác hải sản là một trong những khuyến nghị quan trọng của EC liên quan đến gỡ “thẻ vàng” IUU, chính vì vậy nhiều địa phương ven biển đã và đang triển khai tích cực nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm.

Đơn cử như tại tỉnh Khánh Hòa, để quản lý hiệu quả các tàu cá thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh, Khánh Hòa đã ký kết quy chế phối hợp quản lý với nhiều tỉnh, thành phố ven biển trong nước, nơi tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động.

Thực hiện quy chế phối hợp của tỉnh, Sở NN&PTNT và các cơ quan chức năng của tỉnh đã có công văn gửi Sở, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển… để phối hợp, trao đổi thông tin hoạt động của nhóm tàu này.

Theo đó, các đơn vị sẽ thực hiện việc trao đổi thông tin về số lượng tàu cá đang hoạt động, kết quả công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tàu cá; tình hình tàu cá chấp hành quy định chống khai thác IUU để phối hợp xử lý các vi phạm.

Bên cạnh đó, còn phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến tình hình, kết quả xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ; các vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân; phối hợp trong xác minh để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác…

Cùng với 28 tỉnh, thành phố có biển, thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng đã và đang phối hợp địa phương và các ngành chức năng tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn là những tàu cá “3 không”, cũng như tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS… Bộ đội Biên phòng thông báo cho Hải quân, Cảnh sát Biển để phối hợp theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để đối với nhóm tàu cá này; kiên quyết xử lý vi phạm nhằm kịp thời răn đe, phòng ngừa vi phạm. Lực lượng cũng phối hợp với Công an, điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đường dây móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, mới đây, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Viettel tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá thuộc Dự án “Xây dựng phần mềm, mua sắm trang bị quản lý, kiểm soát tàu cá và nhắn tin truyền thông cho chủ tàu cá” cho các trạm kiểm soát biên phòng thuộc 28 tỉnh, thành ven biển. Dự án nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống IUU với mục tiêu cán bộ giám sát có thể theo dõi tình trạng ra vào cảng của tàu thuyền, thông tin phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên, công cụ dụng cụ trên tàu.

Hải Lý

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.