Kontali, cơ quan phân tích và cung cấp dữ liệu ngành thủy sản hàng đầu thế giới, dự báo sản lượng cá hồi nuôi toàn cầu sẽ tăng 27% vào năm 2030 và 40% vào năm 2033 do diện tích nuôi cá hồi trên cạn được mở rộng.
Phân tích của Kotali cho thấy, sau vài năm trì trệ, ngành cá hồi nuôi toàn cầu sẽ tăng trưởng tích cực nhờ đổi mới liên tục để giải quyết các thách thức liên quan đến quy định và sức khỏe vật nuôi. Châu Âu dự kiến dẫn đầu sự tăng trưởng này với sản lượng 25%, trong khi châu Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng khiêm tốn hơn 11%. Đóng góp từ Australia và New Zealand sẽ nhỏ hơn, khoảng 17%. Tuy nhiên, châu Á, đặc biệt Trung Quốc, đang sẵn sàng mở rộng diện tích với các dự án trang trại trên cạn và ngoài khơi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho ngành cá hồi toàn cầu.
Thách thức và rủi ro
Các giới hạn pháp lý, chẳng hạn sinh khối tối đa (MAB) và nhiều quy định về môi trường là những trở ngại chính đối với tăng trưởng của ngành cá hồi toàn cầu. Ví dụ, ở Na Uy, mối lo ngại về rận biển và sức khỏe cá hồi có liên quan chặc chẽ với những hạn chế pháp lý nói trên. Các doanh nghiệp cá hồi đang đầu tư vào các giải pháp như công nghệ lồng có mái che cải tiến, và các biện pháp an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro này.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ thay đổi và mầm bệnh xuất hiện, gia tăng trở ngại cho hoạt động nuôi cá hồi trên toàn thế giới. Filip Szczesny, chuyên gia phân tích tại Kontali cho rằng, đầu tư vào công nghệ cải thiện sức khỏe cá hồi và công nghệ sản xuất trên đất liền sẽ giúp ngành cá hồi đạt mục tiêu tăng trưởng 27% vào năm 2030, song song đó, ngành cá hồi cần vượt qua thách thức pháp lý về môi trường.
Triển vọng theo khu vực
Na Uy: Quốc gia sản xuất cá hồi Đại Tây Dương lớn nhất thế giới sẽ phục hồi sau hàng loạt khó khăn trong sản xuất. Kotali thống kê, sản lượng cá hồi trung bình của Na Uy đã vượt 1,348 triệu tấn trong hai năm qua nhờ đổi mới quy hoạch nuôi, tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe cá và đầu tư công nghệ lồng chìm. Tuy nhiên, quy định siết chặt thuế của chính phủ Na Uy có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của ngành cá hồi. Tại châu Âu, Kontali kỳ vọng ngành cá hồi Scotland, Faroe và Iceland cũng chuyển biến tích cực nhờ các dự án mở rộng diện tích và chu kỳ sản xuất ngắn hơn.
Chile: Bất ổn chính trị vẫn là rủi ro chính khiến ngành cá hồi Chile đối diện nguy cơ gián đoạn sản xuất mặc dù tình hình đã bớt căng thẳng trong thời gần đây. Rủi ro an toàn sinh học tiếp tục gia tăng khi ngành cá hồi Chile tăng công suất tối đa.
Bắc Mỹ: Canada đang tích cực chuyển đổi sang hệ thống nuôi cá hồi trên đất liền sau những thay đổi về quy định của chính phủ. British Columbia đang lên kế hoạch chuyển sang nuôi cá hồi trên cạn do nhiều hợp đồng thuê trang trại trên biển sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2029.
Australia và New Zealand: Nhiệt độ nước biển ấm hơn đã chậm tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất cá hồi tại Australia (chủ yếu ở Tasmania) nhưng dự kiến sẽ phục hồi. Tại New Zealand, các dự án ven biển mới sẽ thay thế hoạt động hiện tại.
Nga và châu Á: Nhu cầu tiêu thụ cá hồi tại thị trường nội địa Nga đang tăng cao, khuyến khích mở rộng trại nuôi và cơ sở hạ tầng mới. Trung Quốc đang triển khai dự án nuôi cá hồi trên cạn và ngoài khơi nhưng chưa đạt quy mô sản xuất công nghiệp.
Nuôi cá hồi trên cạn
Nuôi cá hồi trên cạn đang thu hút đầu tư bởi đây là giải pháp thay thế bền vững môi trường cho phương pháp nuôi truyền thống. Phân khúc nuôi cá hồi trên cạn dự kiến đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của toàn ngành cá hồi vào năm 2033. Na Uy đang phát triển công nghệ RAS hybrid, trong khi châu Á và Bắc Mỹ chạy đua mở rộng sản xuất nhằm thu hút đầu tư.
Tuấn Minh – Theo Seafoodnews
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn