Bão số 3 (bão YAGI) đi qua đã khiến cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh bị mất trắng tài sản. Những người dân “sống nhờ biển” vùng Đông Bắc của Tổ quốc đang mạnh mẽ đứng dậy sau cơn bão với phương châm “ngã ở đâu, đứng lên ở đó”, để cùng nhau tiếp tục vươn lên làm giàu từ biển.
Nhằm giúp người nuôi trồng thuỷ sản bắt tay vào khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, các địa phương có biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang khẩn trương thực hiện các bước, thủ tục giao biển cho các cá nhân, tổ chức, HTX. Đây cũng là căn cứ quan trọng để người dân chủ động đầu tư, vay thêm vốn tái sản xuất sau bão số 3.
Huyện Vân Đồn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại lên đến hơn 2.200 tỷ đồng. Toàn bộ 1.120 cơ sở nuôi nhuyễn thể với 3.680 ha; 218 cơ sở nuôi cá với 280 ha; 318 nhà bè bị đều thiệt hại. Sau bão, nhiều buổi gặp mặt, hội nghị tháo gỡ khó khăn được tổ chức nhằm giúp người dân tiếp cận chính sách vốn vay một cách nhanh nhất, trong đó có việc khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… để người dân tái sản xuất.
Tính đến hết ngày 11/10, toàn huyện Vân Đồn đã tạm giao mặt nước biển cho 57 HTX, với tổng số 912 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 5.500 ha, tăng 42% so với trước bão. Người dân đã thả phao nuôi 1.000 ha hàu; xuống giống mới được 200 ha. Ngoài ra, huyện đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% so với trước khi bão số 3 xảy ra.
Không chỉ Vân Đồn mà thị xã Quảng Yên cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản sớm phục hồi, tái sản xuất. Thị xã đã trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ dân ở xã Hoàng Tân và phường Phong Hải, mỗi hộ được giao 0,6 ha kèm theo vị trí, sơ đồ khu vực biển nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch của địa phương. Đáng chú ý, Quảng Yên phấn đấu giữa tháng 11 tới sẽ hoàn thành việc giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ dân thuộc đối tượng sinh kế trên địa bàn yên tâm tái thiết sản xuất.
Hiện nay, nhiều địa phương có biển khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô… cũng đang tích cực đồng hành cùng người dân bị thiệt hại do bão nhằm khôi phục, tái thiết sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, góp phần ổn định cuộc sống.
Để nuôi biển phục hồi sau những thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị cấp ủy, chính quyền và các tổ chức tín dụng trên địa bàn các địa phương trong tỉnh đồng hành, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3; đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới… đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do bão; đồng thời kiến nghị lên Chính phủ đề nghị sửa đổi một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa có tiền lệ để giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó sau bão.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục cập nhật, tổng hợp thiệt hại của khách hàng để báo cáo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, bao gồm cả các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Bên cạnh đó, ngân hàng đã có chương trình tín dụng cho vay mới với lãi suất hợp lý, trong đó cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng hiện hữu bị thiệt hại do bão để có vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Với gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng những ngư dân vẫn vươn lên mạnh mẽ, khôi phục sản xuất ngay khi bão đi qua. Hiện thủy sản là lĩnh vực thế mạnh, chiếm tỉ trọng 50% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Vậy nên cùng với sự nỗ lực vực dậy sản xuất của các cơ sở nuôi trồng thủy sản thì rất cần sự đồng hành từ địa phương, các cấp, ngành về cơ chế, chính sách hỗ trợ để lĩnh vực thủy sản trong tỉnh sớm khôi phục, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.
Minh Khuê (Tổng hợp)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn