Ngày 31/5/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 4006-KH/UBND về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đặt mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản giúp phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; góp phần phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.
Thả cá tái tạo nguồn lợi tại Quảng Nam. Ảnh: Quang Việt
Về mục tiêu cụ thể:
– Hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm tại các huyện, thị xã, thành phố nghề cá ven biển;
– Các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn, hệ thống sông Trường Giang, Thu Bồn; khu vực biển ven bờ, vùng lộng được điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản;
– Phấn đấu trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở vùng biển, nhất là vùng lộng, vùng bờ được phục hồi và tăng ít nhất 5%;
– Tiếp tục thực hiện tốt mô hình quản lý và hoạt động của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; đồng thời hình thành, quản lý các Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tam Hải, Tam Tiến – Núi Thành theo Quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quốc gia, Quy hoạch tỉnh và Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030;
– Tạo nơi cư trú nhân tạo tại các khu vực ven biển của các huyện, thành phố: Hội An, Thăng Bình, Núi Thành nhằm tạo sinh cảnh sống, phát triển các loài thủy sản;
– Các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các huyện trung du, miền núi có thủy vực (hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, sông có điều kiện môi trường, dòng chảy phù hợp) tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản;
– Tổ chức thực hiện mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại các khu vực bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn đất ngập nước được hình thành;
– Các loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định; loài đặc hữu, bản địa trên địa bàn tỉnh được nhận diện, xác lập hồ sơ theo dõi, đề xuất giải pháp nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen;
– Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường sống, nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh hoàn thiện, cập nhật thường xuyên vào cơ sở dữ liệu quốc gia để đáp ứng thông tin cho nhu cầu quản lý, nghiên cứu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề ra một số giải pháp chính, trong đó, có các giải pháp về cơ chế, chính sách, như: Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác thủy sản.
Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng (kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an địa phương) để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động thủy sản trên biển và trong vùng nội địa.
Triển khai thực hiện quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật trong điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản và đa dạng sinh học; quan trắc, giám sát biến động môi trường, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; lưu giữ giống gốc các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; trồng phục hồi san hô, cỏ biển; thả rạn nhân tạo làm nơi cư trú cho các loài thủy sản; bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản;
Xây dựng cơ chế thúc đẩy thành lập và vận hành quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh, quỹ cộng đồng để huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài chính đóng góp tự nguyện, tài trợ, từ thiện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam chia sẻ, rất mong cộng đồng cư dân ven biển cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Người dân cần khai thác có chọn lọc, không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, nói không với các nghề cấm. Cùng đó, thả bổ sung các loài thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, góp phần khôi phục, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản vì sinh kế bền vững.
Vân Anh
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn