Quảng Bình: Hướng đi mới từ nuôi tôm càng xanh

0

Nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh 2 giai đoạn trên địa bàn xã Vạn Trạch (Bố Trạch) bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Quảng Bình nhiều tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống, như: Trắm, trôi, mè, chép, lóc, rô phi… nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao

Để nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, góp phần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua, Trung tâm KN-KN tỉnh đã đưa đối tượng tôm càng xanh toàn đực vào nuôi thử nghiệm thành công và đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể, được bà con nông dân triển khai nhân rộng với các hình thức: Nuôi chuyên canh trong ao đất, nuôi xen canh trong ruộng lúa, nuôi ghép với cá…

Cán bộ Trung tâm KN-KN tỉnh kiểm tra hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh 2 giai đoạn của gia đình ông Nguyễn Văn Vững.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết của Quảng Bình khá khắc nghiệt, thời điểm thả giống tôm thường vào đầu năm, khi nền nhiệt còn thấp, thời điểm thu hoạch thường sắp đến mùa mưa lũ nên gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và năng suất thu hoạch. Vì vậy, để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả của quá trình nuôi, việc áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi mới từ nuôi 1 giai đoạn sang nuôi 2 giai đoạn, nhằm đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng, bảo đảm tỷ lệ sống cao, tăng năng suất, giảm rủi ro dịch bệnh và tiết kiệm chi phí là rất cần thiết.

Mô hình nuôi tôm càng xanh 2 giai đoạn được triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Vững, xã Vạn Trạch (Bố Trạch). Đây là hộ dân có ao nuôi đạt các tiêu chí xây dựng mô hình, như: Đã có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao chứa chiếm 20-25% diện tích nuôi; hệ thống ao ương, ao nuôi đủ diện tích, bờ ao gia cố chắc chắn không bị ngập tràn do lũ tiểu mãn, lũ thường; nguồn nước cấp chủ động, không bị ô nhiễm, điểm nuôi thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý tôm nuôi; vị trí ao nuôi cao ráo, giao thông đi lại thuận lợi; có hệ thống quạt nước, máy phát điện dự phòng khi mất điện…

Ông Nguyễn Văn Vững cho biết, trước đây ông và một số hộ có thả nuôi theo phương pháp truyền thống nhưng môi trường thường xuyên biến động, tôm phân cỡ nhiều, lột xác không đều nên thường bị ăn nhau, dễ xảy ra dịch bệnh, chết rải rác nên thường xuyên phải dùng các biện pháp phòng bệnh, một số hộ phải dùng kháng sinh. Sau khi được lựa chọn và triển khai mô hình, các hộ nuôi được hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, 40% thức ăn, chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã cử cán bộ giám sát mô hình theo tuần, theo tháng và tiến độ công việc của mô hình, xác nhận chất lượng, số lượng giống, vật tư mà các hộ đã đầu tư; theo dõi các yếu tố môi trường và kiểm tra tốc độ sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Qua đánh giá kết quả cho thấy, tôm có tốc độ sinh trưởng khá cao, tỷ lệ sống giai đoạn 1 đạt 80%, tỷ lệ sống giai đoạn 2 đạt khoảng 60%, trọng lượng bình quân 30 con/kg; với diện tích 9.800m2, sản lượng hơn 3.000kg, qua hoạch toán lợi nhuận mang lại cho hộ nuôi trên 200 triệu đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, mô hình vẫn còn nhiều khó khăn: Do đặc tính của tôm càng xanh ăn rất dữ nên khi lột xác nếu không có nơi trú ẩn, thức ăn không bảo đảm, chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau dẫn đến tỷ lệ sống thấp; nguồn giống trên địa bàn chưa có, không chủ động, quãng đường vận chuyển xa qua nhiều phương tiện nên chi phí cao, nguy cơ rủi ro tương đối lớn; thị trường tiêu thụ chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa, chưa có thương lái mua với số lượng lớn…

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết: Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, ít dịch bệnh. Loại tôm này chủ yếu sống trong môi trường nước ngọt nhưng có thể sinh trưởng bình thường trong môi trường nước lợ có độ mặn phù hợp. Nuôi tôm càng xanh 2 giai đoạn là mô hình mới, lần đầu tiên được trung tâm triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo điểm đến tham quan học tập của các hộ dân trong vùng, giúp người dân hiểu biết và áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Với kết quả bước đầu đạt được, Trung tâm KN-KN tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cách thức nuôi tôm càng xanh cũng như hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi; khuyến khích nhân rộng mô hình với quy mô phù hợp với từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Đối với tôm càng xanh, việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên với lượng nước thay từ 20-30% nước trong ao nuôi. Khi cấp nước, cần kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao lắng và ao nuôi, phải có sự tương đồng và bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp vào không bị ô nhiễm thì tôm mới sinh trưởng và phát triển tốt”, ông Nguyễn Văn Vững chia sẻ kinh nghiệm.

Thanh Hoa

Nguồn: Báo Quảng Bình

Leave A Reply

Your email address will not be published.