Ngày 22/5/2024, Bộ NN&PTNT ra Thông báo số 3661/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2024.
Năm 2024, dự báo ngành tôm nước lợ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như ảnh hưởng xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, Mỹ đang tiến hành điều tra về chống bán phá giá đối với tôm nước ấm của nhiều nước, trong đó có tôm Việt Nam. Để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu phát triển ngành tôm năm 2024, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thanh tra, kiểm tra chặt chẽ cơ sở sản xuất
Bộ NN&PTNT giao Cục Thủy sản căn cứ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản và đặc biệt Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn tích cực về điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng giống thủy sản.
Quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống nước lợ để đảm bảo thành công vụ nuôi. Ảnh: NTV
Tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm (nếu có). Đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giống tôm nước lợ của các địa phương.
Tăng cường hơn nữa việc quan trắc môi trường tại vùng sản xuất giống và nuôi tôm trọng điểm, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh cho các cơ sở sản xuất để hạn chế tối đa rủi ro cho người sản xuất.
Phối hợp với Cục Thú y xử lý dứt điểm, triệt để các bệnh mới trên tôm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh thành dịch.
Tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2024, kịp thời thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống với địa phương nuôi tôm thương phẩm. Tham mưu Bộ chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến quản lý giống tôm nước lợ theo phân công, phân cấp để phối hợp quản lý, giám sát, đồng thời thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, kiểm tra các cơ sở nước ngoài xuất tôm bố mẹ vào Việt Nam.
Thông báo, gửi Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, TP Cần Thơ về Quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ và thống nhất thực hiện.
Kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống
Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên giống tôm nước lợ, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ an toàn dịch bệnh; có giải pháp hiệu quả xử lý bệnh trên giống tôm nước lợ hiện nay, đặc biệt là một số bệnh mới phát sinh gần đây, có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu giống tôm nước lợ, chia sẻ thông tin về việc nhập khẩu tôm giống nước lợ cho địa phương có cơ sở thực hiện cách ly kiểm dịch nhập khẩu. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng gửi thông tin về việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch giống tôm nước lợ nhập khẩu về Cục Thủy sản để cùng phối hợp, giám sát, kiểm soát.
Bộ cũng yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường rà soát, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống tôm nước lợ theo hướng ưu tiên các nhóm tính trạng kháng bệnh – tăng trưởng nhanh; đồng thời đề xuất cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu hoặc liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh kết quả, sản phẩm vào sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất, ương dưỡng tôm giống đảm bảo chất lượng, giảm giá thành sản xuất, các mô hình sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn chất lượng theo xu thế của thị trường tiêu thụ.
Quản lý nghiêm ngặt chất lượng tôm giống
Bộ NN&PTNT yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố quản lý sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về sản xuất, lưu thông và sử dụng giống tôm nước lợ, đặc biệt những quy định mới tại Nghị định số 37.
Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở mới đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Rà soát, thống kê theo quy định những cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý. Tập trung xử lý triệt để các cơ sở không thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận hoặc sản xuất, ương dưỡng mà không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định.
Các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp cần khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, ương dưỡng giống tôm bố mẹ để chủ động cung cấp tôm giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu thả nuôi.
Tăng cường trao đổi giữa các địa phương về kiểm dịch giống tôm nước lợ để thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát và kiểm soát theo Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2024.
Ngoài ra, các Hội, Hiệp hội ngành hàng có liên quan hướng dẫn, vận động hội viên tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ.
Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xây dựng định hướng chiến lược phát triển giống tôm nước lợ. Hỗ trợ phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất tôm giống.
Hướng dẫn, triển khai các giải pháp về an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo tôm giống xuất bán sạch các bệnh theo quy định và các bệnh nguy hiểm mới phát sinh.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị; xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan trong chuỗi. Vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng con giống; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; nắm vững kế hoạch sản xuất để phát triển thị trường đầu ra.
Tiếp tục nắm bắt, trao đổi thông tin việc kinh doanh giống tôm nước lợ, kịp thời phản ánh về Bộ để xử lý.
Phạm Thu
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn