Quản lý chất thải trong ao nuôi tôm

0

Nuôi tôm thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt đạm và phốt pho. Thức ăn tôm dư thừa và phân tôm là nguyên nhân làm tăng hàm lượng chất thải hữu cơ rắn và lơ lửng trong ao.

Vì vậy, quản lý chất thải hữu cơ trong ao luôn là mối quan tâm hàng đầu để không chỉ đảm bảo được sự phát triển của tôm nuôi mà còn tạo được môi trường nuôi bền vững, an toàn cho các mùa vụ tiếp theo.

cải tạo ao nuôi

Cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi. Ảnh: Tép Bạc

Giải pháp đơn giản nhất giúp cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi là thay nước. Các chất dinh dưỡng, tảo cùng các chất ô nhiễm được mang khỏi ao và thay thế bằng nguồn nước có chất lượng tốt hơn, có tác dụng cải tạo môi trường nước ao nuôi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời. Để hạn chế sự tích lượng chất thải trong ao nuôi tôm, cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Chuẩn bị ao nuôi thật kỹ

Để tránh hiện tượng chất thải hữu cơ từ vụ nuôi trước ảnh hưởng cho vụ nuôi sau, trước khi thả tôm phải tiến hành dọn sạch chất thải bằng các phương pháp cải tạo ướt hoặc cải tạo khô tùy theo từng điều kiện ao nuôi.

Đối với trường hợp cải tạo ướt thường không tẩy dọn triệt để chất thải nên ngoài việc sử dụng vôi, trước khi thả tôm phải sử dụng thêm một số loại chế phẩm sinh học nhằm tăng cường làm sạch đáy ao.

2.  Lựa chọn và quản lý thức ăn

Chọn loại thức ăn có chất lượng cao và sử dụng thức ăn cho tôm nuôi một cách hợp lý, tránh hiện tượng thừa thức ăn.

Thực hiện cho tôm ăn theo nguyên tắc “4 định”: định chất (loại thức ăn), định lượng (lượng thức ăn sử dụng hàng ngày), định thời gian (số lần cho ăn), định địa điểm (phương pháp cho ăn). Tùy mỗi giai đoạn của tôm đồng thời kết hợp với chú ý theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, thời tiết, sức khỏe tôm… mà cần áp dụng 4 định một cách linh hoạt.

Cho tôm ăn phù hợp, đủ lượng, đủ chất sẽ giúp tôm lớn nhanh, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và tăng lợi nhuận cho người nuôi.

3. Quản lý chất lượng nước ao nuôi

Việc duy trì được màu tảo tốt trong ao nuôi nhằm làm tăng chất lượng nước, giảm các khí độc tồn tại trong ao. Đây là một công việc không mấy dễ dàng, đòi hỏi người nuôi tôm phải có một trình độ và kinh nghiệm nhất định để đảm bảo có được màu tảo tốt duy trì sự tồn tại của tảo trong ao nuôi. Để làm được vấn đề này người nuôi tôm cần phải biết sử dụng các loại vôi, khoáng chất, chế phẩm sinh học, các loại phân và biện pháp thay nước một cách hợp lý để duy trì sự phát triển của tảo trong ao nuôi.

4. Quản lý nguồn nước cấp

Nguồn nước cấp vào nuôi cũng là một trong những lý do làm tích tụ chất hữu cơ trong ao nuôi tôm. Do vậy khi chọn nguồn nước cấp vào ao nuôi chúng ta cần phải chọn những nguồn nước ít chất lơ lửng, không có tảo và nên chọn nguồn nước có độ mặn thấp.

5. Loại bỏ chất thải ra khỏi ao nuôi

Sử dụng máy quạt nước để gom tụ chất thải, áp dụng việc sử dụng các loại vôi, khoáng chất, tránh khuấy động vùng gom tụ chất thải sẽ là một giải pháp tương đối an toàn vừa tạo ra vùng sạch cho tôm hoạt động vừa tránh sự phát tán chất lơ lửng trở lại nước ao trong thời gian nuôi.

Thay nước đáy hoặc dùng hệ thống thoát nước trung tâm, cũng có thể dùng hệ thống máy hút bùn ra khỏi ao nuôi. Việc áp dụng giải pháp hút bùn ao nuôi là một việc làm có thể mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm tùy thuộc vào kỹ thuật hút bùn và điều kiện từng ao nuôi.

Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt và duy trì ổn định chất lượng nước. Có chế độ thay nước định kỳ để đảm bảo chất lượng nước trong ao luôn đảm bảo, giảm bớt sự lắng tụ chất thải trong ao.

Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn giúp tôm, cá tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn. Ngoài ra, chế phẩm sinh học sẽ giúp phân hủy chất thải bùn đáy trong ao nuôi, chuyển hóa khí độc thành dạng ít độc hơn, cân bằng môi trường ao nuôi bằng các vi sinh vật có lợi.

NT

Nguồn: Tép Bạc

Leave A Reply

Your email address will not be published.