Trước hiện tượng tôm hùm và cá nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị chết, UBND thị xã Sông Cầu đã có văn bản khẩn, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y, Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu và UBND xã Xuân Thịnh, kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Theo một số ngư dân ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, đến ngày 20/5 đã là ngày thứ 3, tôm cá nuôi tại đây bị chết, trước hết là ở vùng nuôi thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, sau đó tiếp tục lan ra nhiều vùng khác, gây thiệt hại cho người nuôi. Được biết, những con tôm hùm này chuẩn bị đến vụ hoạch nay bỗng nhiên bị chết khiến người dân lo ngại phải bán tháo với giá rất thấp. Không chỉ có tôm hùm, mà nhiều loài cá có giá trị như cá mú, cá bớp, cá chim, cá dìa cũng chết hàng loạt. Thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 31 tấn tôm cá của 118 hộ dân trên địa bàn bị chết.
Tôm hùm xanh của hộ nuôi ở xã Xuân Thịnh bị chết hàng loạt. (Ảnh: Page Sông Cầu Trong Tôi)
UBND thị xã Sông Cầu đã yêu cầu các xã, phường khẩn trương tổng hợp số lượng thủy sản nuôi bị thiệt hại của các hộ dân. Cũng ngày trong sáng 20/5, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cùng một số cơ quan liên quan đã đến các vùng nuôi tôm cá bị chết để kịp thời chỉ đạo, khắc phục thiệt hại cũng như lên phương án ứng phó với sự cố này. Theo nhận định của Chi cục Thủy sản Phú Yên, nguyên nhân ban đầu gây ra vụ việc tôm cá bị chết hàng loạt là do thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa giông trong những ngày qua dẫn đến môi trường nước bị thay đổi.
Các chuyên gia hướng đã dẫn bà con thu hoạch tôm hùm, cá nuôi có thể xuất bán được để giảm thiệt hại, đồng thời không bỏ xác thủy sản tại các vùng nuôi mà cần đem vào khu vực xử lý phù hợp tránh gây ô nhiễm trên diện rộng. Bên cạnh đó, UBND các xã, phường có vùng nuôi thủy sản cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản đã được phê; đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn.
Minh Khuê
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn