Không chỉ được ví như “bức tường xanh”, “dải đê mềm” chắn sóng, ngăn bão, gió; rừng ngập mặn còn mang lại nguồn lợi thủy sản vô tận, tạo sinh kế cho hàng nghìn người dân xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng, mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng, tạo công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, giá trị kinh tế của rừng ngập mặn bình quân 862 USD/ha/năm, trong đó giá trị vô hình mà rừng ngập mặn mang lại chiếm đến gần 70% tổng giá trị, bao gồm những giá trị không đong đếm được bằng tiền như: giá trị chống xói mòn đất và bảo vệ bờ biển chiếm 55%; giá trị tích lũy carbon 14,5%; khai thác củi, gỗ, du lịch 12%; nghề đánh bắt cá ven bờ 3,7%; ngành nuôi trồng thủy sản 15,5%.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã khởi động nghiên cứu tiền khả thi bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn để phát triển dự án carbon xanh tại 10 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Cà Mau, trong đó có xã Lâm Hải. Nếu dự án này được triển khai sẽ đưa ra các chương trình khuyến khích nuôi tôm và các hoạt động nông nghiệp bền vững cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ quá trình phục hồi tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây.
Để phát huy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhiều địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển rừng trong đó có mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng. Ảnh: Quang Lợi
Xã Lâm Hải, huyện Năm Căn có tổng diện tích tự nhiên khoảng 12.000 ha thì khoảng 60% là diện tích rừng. Dân cư sống phân tán chủ yếu theo các tuyến sông rạch, thu nhập kinh tế bằng nghề nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy, hải sản. Hàng chục năm qua, sinh kế chủ yếu của người dân đến từ hoạt động nuôi tôm, cua và các loài thủy sản có vỏ dưới tán rừng ngập mặn. Dù có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nhưng người dân địa phương luôn tuân thủ việc đảm bảo độ che phủ rừng trên ao nuôi phải đạt 60 – 70%.
Theo ông Trương Quốc Duẩn, Chủ tịch xã Lâm Hải, khoảng 3 năm trở lại đây, địa phương bắt tay cùng doanh nghiệp triển khai định hướng của tỉnh Cà Mau về phát triển mô hình tôm – rừng sinh thái, không sử dụng các chất gây ô nhiễm nguồn nước. Người nuôi tôm còn được hỗ trợ con giống khỏe, các giải pháp kỹ thuật, tập huấn và được chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Qua 2 mùa thu hoạch, tôm cho chất lượng tốt với sản lượng đạt khoảng 150 – 250 kg/ha/năm. Quan trọng hơn, đây là con tôm sạch và hoàn toàn có thể xuất khẩu đi các thị trường quốc tế có giá trị cao với yêu cầu bảo vệ môi trường khắt khe. Nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn – một trong những chủ trương mà tỉnh Cà Mau ưu tiên thực hiện thời gian qua.
Ðến nay, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 39.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, tập trung ở các huyện: Ngọc Hiển (22.870 ha), Năm Căn (7.625 ha), Ðầm Dơi (5.000 ha) và Phú Tân (4.000 ha); trong đó có khoảng 19.000 ha, của gần 4.200 hộ, tôm đạt các chứng nhận quốc tế.
ThS. Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định chia sẻ, phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản đang là xu thế của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trung tâm có kế hoạch tổ chức 2 lớp tập huấn để trang bị cho người dân kỹ thuật cải tạo ao nuôi, chọn con giống, thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi… Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ hệ sinh thái cây ngập mặn, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái vùng nuôi, hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.
Được biết, tỉnh Bình Định đang triển khai thử nghiệm mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và cho thấy một số tín hiệu đáng phấn khởi. Là hộ tham gia mô hình, anh Trương Hữu Tâm, thôn Vinh Quang 2 cho biết, triển khai mô hình này, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch, thu nhập có nhiều khả năng tăng thêm nếu biết cách tổ chức tốt để đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Sau một tháng thả nuôi, con giống đang phát triển tốt, lớn hơn những lần trước. Cùng đó, du khách có thể ngồi trên chòi ngay trong ao, tự câu, tự chế biến theo hướng dẫn… trải nghiệm thú vị này hy vọng sẽ thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.
Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 208/QĐ-TTg. Thực hiện Đề án này, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch số 1917/KH-UBND. Theo đó, Kế hoạch sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp các hoạt động như: đánh giá, tổng kết các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp thành công, hiệu quả. Lựa chọn các loài cây trồng, thủy sản có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Áp dụng các biện pháp canh tác hiệu quả và quản lý chất lượng rừng trồng, thủy sản… kết hợp dưới tán rừng, để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất; sản xuất và thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không gây mất rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng…
Theo báo cáo mới nhất của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), hơn 30% hệ sinh thái rừng ngập mặn được đánh giá đang gặp nguy hiểm, do biến đổi khí hậu khiến cho mực nước biển dâng cao. Nếu không có sự can thiệp, 25% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu dự kiến sẽ bị nhấn chìm trong vòng 50 năm tới, đặc biệt là tại các khu vực như Tây Bắc Đại Tây Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Biển Đông và Vịnh Aden.
Hải Lý
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn