Phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương (Phần 1)

0

Thực trạng nghề câu cá ngừ đại dương

Nghề câu vàng truyền thống

Ở vùng biển duyên hải Nam Trung Bộ, nghề khai thác hải sản đã gắn bó lâu đời vơi ngư dân ven biển. Trong đời sống của người Việt Nam nói chung của người dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng, từ xa xưa hoạt động đánh bắt cá dường như là hoạt động quan trọng, chỉ xếp sau canh tác nông nghiệp. Nghề khai thác cá biển xuất hiện sớm nhất ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định từ thời phong kiến nổi tiếng bởi phương tiện đánh bắt bằng các ghe bầu. Phú Yên là cái nôi đầu tiên của nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) vào năm đầu thập niên 90 và đã trở thành nghề khai thác chủ lực của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ.

Năm 1994, nghề câu CNĐD thật sự mới bắt đầu ở Phú Yên do ông Sáu Liên (Trần Văn Liên), làng biển Phú Câu thuộc phường 6, Tp. Tuy Hòa phát hiện ra.

Hình 1. Cá ngừ đại dương

Trong một chuyến đi đánh lưới chuồn, lưới thuyền ông Sáu Liên đã dính vàng câu của một tàu Đài Loan. Khi gỡ lưới ra, tình cờ phát hiện những chú cá ngừ mắc câu, bèn cắt trộm một con để đem về nhà nghiên cứu. Mổ ra thấy cái lưỡi câu khổng lồ, trong bụng con cá ngừ còn nguyên những chú cá chuồn tươi rói. Với dân đi biển, đó là một kinh nghiệm đáng kể. Vậy là ông bàn cùng với thợ thuyền tìm cách sản xuất vàng câu và lưỡi câu giống như của tàu Đài Loan.

Đợt đánh thử lần đầu, cách bờ khoảng 10 hải lý, mồi câu là cá chuồn, thời gian câu  3 – 4 ngày, tàu ông bắt được gần chục con “bò gù”, xem như thắng đậm.

Thấy câu vàng làm ăn được, nhiều người học theo và ai cũng “trúng”.

Sau đó nhiều nơi như Bình Định, Khánh Hòa… học hỏi kinh nghiệm, lượng tàu câu vàng ngày càng nhiều.

Giới thiệu sơ bộ về nghề câu vàng truyền thống

Cuối 2011 đầu 2012 có thể xem là thời kỳ cực thịnh của nghề khai thác CNĐD bằng câu vàng với mức giá 170 – 190 ngàn đồng/kg, bình quân 180.000đ/kg, cao gấp 25 lần so với năm 1994.

Hình 2. Bản vẽ bố trí chung tàu câu CNĐD vỏ gỗ

Hình 3. Vàng câu CNĐD   

Ngư cụ nghề (Hình 3): Cấu trúc vàng câu bao gồm dây chính, dây câu chính, dây câu nhánh, lưỡi câu, phao và một số thiết bị liên kết khác. Kích thước chiều dài vàng câu phụ thuộc vào quy mô tàu thuyền và trang bị kỹ thuật cho nghề. Chiều dài vàng câu dao động từ 40 – 55 km, tương ứng 800 – 1000 lưỡi, khoảng cách giữa 2 lưỡi 45 – 50m. Dây câu chính là cước sợi đơn đường kính 2,4 – 3,2mm; dây thẻo câu là cước sợi đơn dài 25 – 40m đường kính 1,8 – 2,2mm; dây phao làm bằng dây tổng hợp PP chiều dài từ 10 – 25m; phao sử dụng thường là phao tròn PVC đường kính từ 200 – 360mm và phao trụ dài từ 310 – 360mm, đường kính 110 – 120mm.

Về độ sâu thả câu: Tùy theo mùa vụ mà CNĐD phân bổ ở độ sâu khác nhau, theo kinh nghiệm thuyền trưởng điều chỉnh độ sâu bằng cách thay đổi số lượng phao ganh, nếu ở sâu thì điều chỉnh bằng 3 – 5 đốc câu bố trí 01 phao ganh (tăng độ võng).

Cá ngừ mắt to thường bơi ở tầng nước rất sâu, khoảng 200 đến 250 m; cá ngừ vây vàng thì tập trung nhiều ở tầng nước nông hơn, chưa tới 200 m.

Trước đây, đánh bắt CNĐD bằng câu vàng ở độ sâu 70 – 100m. Hiện nay, ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 – 50m, để CNĐD tập trung đến, rồi dùng câu tay để bắt.

Mồi câu: Cá chuồn và mực đại dương.

Ngư trường: Khoảng thời gian cuối năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau, CNĐD di chuyển vào vùng biển phía bắc nước ta khoảng từ Đà Nẵng trở ra rồi dần dần đi về phía nam. Vào chính vụ, khoảng tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch, CNĐD tập trung nhiều ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc.

Bảo quản sau thu hoạch: Đá lạnh và đá lạnh được xay nhỏ.     

Về tiêu thụ: Sản phẩm do các chủ tàu khai thác được các chủ nậu vựa thu mua sau đó chuyển cho các công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản có quan hệ làm ăn. Đối với CNĐD, các công ty xuất khẩu và chế biến xuất khảu thủy sản ở Việt Nam sẽ chuyển cá đạt chất lượng xuất khẩu nguyên con đến các công ty đối tác của họ ở nước ngoài. Phần cá còn lại sẽ được chế biến dạng philê. Vì tàu nhỏ chỉ khai thác được cá ngừ ở tầng mặt, chưa có điều kiện để tìm hiểu khai thác ở những vùng nước tầng sâu.

Th.S. Võ Thiên Lăng

PCT Hội Nghề cá Việt Nam – CT Hội Nghề cá Khánh Hòa

Th.S. Võ Nam Thắng

PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa

Leave A Reply

Your email address will not be published.