Phát triển bền vững kinh tế biển

0

Trong nhiều năm qua, phát triển bền vững kinh tế biển luôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã ban Kế hoạch triển khai Nghị quyết này một cách có hiệu quả.

Sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế cảng, hàng hải; phát triển khu đô thị ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác năng lượng từ biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Ảnh: Cao Thanh Tuấn

Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 2,2 – 2,5% năm, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu vực tập trung sinh sản, nơi cư trú của các loài thủy sản, đường di cư của các loài thủy sản…

Công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố.

Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, nhằm đưa TP Hồ Chí Minh nói chung, huyện Cần Giờ nói riêng trở thành địa phương mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lãnh, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đó là: Phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Năng lượng sạch; Kinh tế hàng hải; Phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản; Phát triển nông, lâm, diêm nghiệp; ứng dụng khoa học – công nghệ.

Đối với kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần kiểm soát, ngăn ngừa và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt khoảng 90%; giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, nhằm đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển theo hướng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Chung tay cùng hành động

Hiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình. Hiện tượng El Nino, triều cường, kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong luôn ở mức thấp đã nghiêm trọng hóa tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, trên một phần ba tổng diện tích đất tự nhiên chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa nguy cơ dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng này vẫn đang tiếp tục gia tăng và sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành nông nghiệp.

Trước thực tế này, giống với nhiều quốc gia, Việt Nam đang thực hiện chiến lược tìm kiếm, khai thác các tài nguyên của biển, nhằm bảo đảm nhu cầu về các nguồn lực cho phát triển của quốc gia.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Nguồn: TTXVN

Gắn với chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chủ đề trọng tâm của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm nay là “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển”.

Tại Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tháng Hành động vì Môi trường, hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới và Môi trường Thế giới 2024 được tổ chức tại TP Nha Trang, Khánh Hòa vào sáng 10/6; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi đất, cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, biển và hải đảo, nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái.

Thông tin tại sự kiện này, đại diện WWF-Việt Nam cho biết, đến năm 2025 là tròn 30 năm WWF đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và phục hồi lại các hệ sinh thái, môi trường sống tự nhiên cả trên đất liền và ngoài đại dương. Trong kế hoạch hành động, WWF-Việt Nam và các đối tác luôn ưu tiên cho việc truyền cảm hứng và kêu gọi cộng đồng hành động. Có thể kể đến những nỗ lực đưa rùa biển quay trở lại bãi biển, nơi chúng được sinh ra, để làm tổ sau khoảng 30 năm.

Trong giai đoạn 2024 – 2025, WWF-Việt Nam sẽ thực hiện ráo riết kế hoạch thông điệp về việc cần thiết và cách thức thiết lập các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác, gọi tắt là OECMs trong tất cả các đối tác có liên quan tại Việt Nam. Các hoạt động này đóng góp thiết thực vào việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Quốc gia về Đa dạng Sinh học và Hành động (NBSAP) và cam kết của quốc gia đối với Sáng kiến Toàn cầu 30×30 về bảo tồn đại dương, đóng góp vào Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh – Montreal năm 2020. Sáng kiến truyền thông trên nằm trong chương trình bảo tồn mới của WWF, Mekong in Balance, tập trung vào Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, được thực hiện xuyên suốt ở 5 quốc gia trong khu vực bao gồm: Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhận định, ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta khẳng định cùng nhau quyết tâm hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về góc độ suy thoái tài nguyên đất, hạn chế tình trạng hạn hán, sa mạc hóa, khai thác sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên đất, biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái vì mục tiêu phát triển bền vững.

Hồng Hạnh

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.