Theo Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản quốc gia Peru (SNA), ngành tôm nước này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do sự sụt giảm chưa từng có về giá cả. Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, người nông dân cần lắm sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Khu vực Tumbes nằm giáp biên giới với Ecuador, chiếm 90% sản lượng tôm thẻ chân trắng của Peru và đóng góp tới 98% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, từ khi giá tôm bắt đầu giảm vào năm 2022, nhiều công ty nuôi trồng thủy sản tại đây đã phải đóng cửa và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi Chính phủ tại các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan đều có các quỹ duy trì chuỗi giá trị ngành tôm, thì những yêu cầu hỗ trợ từ SNA đối với các cơ quan như Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF) và Bộ Sản xuất (PRODUCE) của Peru đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Theo số liệu của SNA, từ tháng 1 – 5/2024, Peru đã sản xuất 47.303 tấn tôm, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 8,9 triệu USD (tương đương 8 triệu EUR), giảm 36,3% so với mức 13,9 triệu USD (12,5 triệu EUR) cùng kỳ năm trước.
Peru có tổng cộng 7.453 ha diện tích được cấp phép nuôi tôm, nhưng chỉ có 3.161 ha được thả giống vào năm 2023. Tháng 7/2024, con số này đã giảm xuống còn 1.400 ha.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, sản lượng trung bình hàng tháng sẽ giảm xuống 21.000 tấn, tương đương mức giảm 46,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhiều trang trại nuôi tôm sẽ tiếp tục đóng cửa hoặc phải giảm mật độ thả nuôi vì thiếu hụt nguồn vốn lưu động.
Lan Khuê (Theo Seafoodsource)
Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn