Ông Trump tái đắc cử: Cơ hội cho cá tra Việt Nam sang Mỹ?

0

Ông Donald Trump tái đắc cử có thể tạo nên cả thách thức và cơ hội cho ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” cùng nguy cơ tăng thuế nhập khẩu là yếu tố đáng lo ngại, nhưng khoảng trống từ hàng Trung Quốc và mức thuế chống bán phá giá thấp lại mở ra triển vọng lớn cho các doanh nghiệp cá tra tại thị trường Mỹ.

Dưới thời ông Donald Trump tái đắc cử, ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội từ các chính sách kinh tế mới mà ông từng đề ra trong nhiệm kỳ trước. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hút đầu tư về Mỹ nhằm kích thích sản xuất nội địa. Những thay đổi này có thể tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra – mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ.

cá tra

Từ năm 2019 đến 2023, cá tra Việt Nam nằm trong nhóm 5 sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang Mỹ, chỉ sau thiết bị điện tử, dệt may, gỗ và thép. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản Việt Nam xuất khẩu trung bình 10 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng 1,4 – 1,5 tỷ USD là từ thị trường Mỹ. Đối với cá tra, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2022 và 2023, xuất khẩu cá tra lần lượt đạt 2,4 tỷ USD và 1,8 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 22% và 15% tổng tỷ trọng xuất khẩu cá tra.

Cụ thể, sản phẩm fillet cá tra đông lạnh (mã HS 0304) là sản phẩm chủ lực tại Mỹ với doanh thu 245 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm này cũng đã vượt qua fillet cá rô phi đông lạnh và trở thành mặt hàng cá thịt trắng được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2024. Đáng chú ý, cá tra giá trị gia tăng cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu gần 8 triệu USD, tăng 1.666% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu ông Trump áp dụng lại chính sách tăng thuế nhập khẩu 10 – 20%, hàng Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn với hàng nội địa Mỹ. Đối với cá tra Việt Nam, điều này có thể khiến sản phẩm giảm sức hấp dẫn về giá và lợi nhuận tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, mức thuế chống bán phá giá của Mỹ hiện đã được giảm đáng kể, và trong cuộc rà soát POR 20 sơ bộ, cả 8 doanh nghiệp Việt Nam đều đạt mức thuế 0,00 USD/kg, một mức tích cực và thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra fillet. Mức thuế thấp này giúp các sản phẩm cá tra Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong phân khúc giá so với các sản phẩm nội địa của Mỹ và các nước khác.

Trường hợp Mỹ tiếp tục áp thuế cao với hàng Trung Quốc như nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump, Việt Nam có thể hưởng lợi gián tiếp. Cá tra Việt Nam có khả năng lấp khoảng trống thị phần mà các doanh nghiệp Trung Quốc để lại tại Mỹ. Theo dữ liệu từ Hải quan Việt Nam, trong nửa đầu tháng 10/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 19 triệu USD, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu thị trường vẫn đang ổn định và có xu hướng tăng.

VASEP nhận định, với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng để gia tăng giá trị cạnh tranh và đối phó với nguy cơ tăng thuế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch phát triển thị trường trong nước hoặc tìm kiếm các thị trường khác bên cạnh Mỹ để giảm sự phụ thuộc.

Việc ông Trump tái đắc cử và các chính sách kinh tế của ông sẽ là một phép thử lớn với ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù có nhiều thách thức từ nguy cơ tăng thuế nhập khẩu, nhưng đây cũng là cơ hội để ngành cá tra Việt Nam khai thác những tiềm năng từ khoảng trống thị trường Mỹ để lại, đặc biệt nếu có các biến động với hàng Trung Quốc.

Tuệ Lâm

Nguồn: Thuysanvietnam.com.vn

Leave A Reply

Your email address will not be published.